Cảm động tấm lòng bồ tát của sư trụ trì chùa Yên Ninh

10:31, 20/06/2016
|

(VnMedia) - 200 em với mọi hoàn cảnh khác nhau đã được nuôi dưỡng và cải hóa; 14 em có bằng cử nhân, 1 em đã có bằng thạc sĩ, 57 đôi trẻ đã được dựng vợ gả chồng… Những thân phận người tưởng như ở đáy xã hội, đã may mắn gặp được nhà sư trụ trì chùa Yên Ninh (Tam Điệp, Ninh Bình), có pháp danh là Thích Diệu Nhân.

Thích Diệu Nhân
Sư thầy Thích Diệu Nhân đã nhiều năm miệt mài cứu giúp những mảnh đời cơ nhỡ

Chùa Yên Ninh là ngôi chùa cổ hơn 730 năm. Nơi đây trước kia là hành cung vũ lâm của triều Trần cảnh giới quân Mông Nguyên nằm trên địa phận Tam Điệp, Ninh bình. Sư trụ trì hiện nay lấy pháp danh Diệu Nhân đã 55 tuổi, được bổ sứ về với chùa từ năm 1995. Trước đó, trong 65 năm, ngôi chùa này không có sư trụ trì.

Mỗi lần đến ngôi chùa này để mong đóng góp một phần công sức cùng với nhà chùa làm việc thiện nguyện, chúng tôi luôn bắt gặp một cảm giác bình an, và lòng được lắng lại với những câu chuyện cùng sư thầy Thích Diệu Nhân.

Từ Hải Phòng về với chùa Yên Ninh như một nhân duyên lớn trong đời, và thêm một nhân duyên nữa khi được hội ngộ với giáo sư sử học Lê Văn Lan, sư thầy Thích Diệu Nhân từ một người ít đọc, ít viết đã tự tìm hiểu và chắp bút viết một bài về ngôi chùa này. Thật bất ngờ khi bài viết của sư thầy đã đoạt giải quốc tế với chủ đề “Tôi yêu đất trời biển đảo Việt Nam”.

Trong bài dự thi, nhà sư viết: “Lịch sử đã có từ lâu nhưng nó bị một lớp bụi dầy che phủ, hỡi chúng ta hãy thắp ngọn dầu lờ mờ để giở lại từng trang lịch sử đó". Đây cũng chính là câu nói mà nhà sử học Lê Văn Lan vô cùng tâm đắc.

Quá trình tìm hiểu tư liệu để viết bài, sư thầy Thích Diệu Nhân nhận ra Chùa Yên Ninh có lịch sử sâu dầy quá mà lại bị bỏ hoang vu nên đã hết sức trăn trở. “Cần làm điều gì để người dân biết đến lịch sử hào hùng của Chùa và khôi phục lại ngôi chùa đã bị bỏ hoang này?. Và rồi, bà đã chọn cách đi vào chúng dân, nói chuyện, thăm hỏi và truyền giảng tính từ bi của nhà Phật.

Điều vô cùng đặc biệt, đó là trong quá trình đi truyền giảng đó, nhà sư phát hiện ra rất nhiều các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mất cha, mất mẹ, bị ảnh hưởng của chất độc da cam, bị bạo lực gia đình, trẻ em bị ung thư... Càng đi sâu tìm hiểu đời sống của chúng dân, bà càng thấy đau trong lòng.

“Tiếng kêu ai oán của những số phận bi ai đều văng vẳng trong mỗi giấc ngủ của tôi...” - nhà sư chia sẻ.

Không thể chờ lâu thêm nữa, sư thầy Thích Diệu Nhân đã kết hợp cùng 18 cụ già ở xung quanh từng bước vực lại chùa, với mục đích vừa tiếp nối truyền thống lịch sử, đồng thời là nơi nhận nuôi dưỡng các trẻ cơ nhỡ, lang thang, hoàn cảnh khó khăn. Với sự quyết tâm và tình yêu thương bao la, những ngày đầu khởi sự, sư thầy Thích Diệu Nhân và những tình nguyện viên trích ra 500đ mỗi ngày, sau 2 tháng mua được 20kg lợn giống, từ đó nuôi sinh sản tiếp, từ lợn giống chuyển sang lợn cấn và áp dụng mô hình đó với các tổ trồng rau…

Cho đến nay, mỗi bữa cơm “gia đình Chùa Yên Ninh” trung bình nấu... 25 kg gạo. Đây thực sự là một gia đình tập hợp các em lang thang cơ nhỡ, ung thư bị bố mẹ bỏ rơi, chất độc màu da cam… và cả những em nghiện ngập, tệ nạn, bị hắt hủi, bị xã hội quay lưng cũng đã được nhà sư dang tay bao bọc, được đặt niềm tin trọn vẹn...

Thật ấn tượng khi cho đến nay, cùng với sự giúp đỡ, thiện nguyện của rất nhiều tổ chức, cá nhân, 200 em với mọi hoành cảnh khác nhau đã được nhà chùa nuôi dưỡng và cải hóa. Từ gia đình lớn này, đã có 14 em tốt nghiệp cử nhân, đặc biệt, có một em đã là thạc sĩ. Có 20 em được theo học lớp tài năng trẻ...

Vui hơn, khi chính tay sư thầy Thích Diệu Nhân đã dựng vợ gả chồng, gieo mầm hạnh phúc cho 57 đôi trẻ.

Không chỉ là nơi tiếp nhận những hoạt động thiện nguyện, mà ở đây, với tấm lòng bồ tát, sư thầy Thích Diệu Nhân đã vận động, khuyến khích “gia đình Yên Ninh” hiến 34 ca giác mạc thành công.

Ngoài ra, đích thân nhà sư cũng đã chữa thành công nhiều trường hợp bị bệnh mất trí nhớ, thần kinh… và để rồi họ đã tự tìm được về quê hương. Thay vào đó, hàng ngày, hàng giờ, vẫn còn đó những người mất trí nhớ, thần kinh, tệ nạn xã hội được nương nhờ tại chùa Yên Ninh.

Khi được đề nghị chia sẻ về một trường hợp đặc biệt mà bà ấn tượng nhất trong những năm tháng dài làm việc thiện, nhà sư đã xúc động kể câu chuyện đầy thương tâm của cô bé tên Hằng.

Sư thầy kể, cách đây 6 năm, trên đường trở về sau khi đưa Hằng lên Hà Nội chuẩn bị thi Đại học, bố em bị tai nạn và qua đời. Tuy nhiên, để em không bị bỏ dở giấc mơ đại học, sư thầy đã khuyên gia đình giấu chuyện đau lòng. Thế nhưng, trước khi thi một ngày, không hiểu sao, cô bé bỗng linh tính gọi điện về cho sư thầy và kể rằng, em cảm thấy rất lo lắng khi không thể gọi điện liên lạc được với bố. Để động viên em, nhà sư gạt nước mắt, tiếp tục nói dối rằng “mọi chuyện ở nhà vẫn ổn”. Và cuối cùng, Hằng đã thi đỗ vào trường Y. Lúc quay trở về nhà, em mới biết là bố đã qua đời.

Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó khi chỉ ít ngày sau, cùng ngày có thông báo em trúng tuyển đại học Y, thì mẹ Hằng nhận được thông tin từ bệnh viện là bị ung thư xương.

Trước tình cảnh gia đình khó khăn, mẹ đau yếu lê lết không thể đi lại được, Hằng quyết định bỏ học để ở nhà chăm mẹ. Nhưng sư thầy Thích Diệu Ninh đã gặp và động viên: “Nếu con bỏ học thì cái chết của bố và nỗi đau của mẹ cũng không thể cứu vãn được, mà còn trở nên vô nghĩa. Hãy nghĩ đến tương lai, đến những hy vọng của bố mẹ mà gắng học con ạ”. Cùng với đó, sư thầy quyết định đưa mẹ của Hằng vào chùa chăm sóc, chữa chạy bằng thuốc đông y, kết hợp ăn chay.

Và trời đã không phụ lòng từ bi của nhà sư, cũng như không lấy đi ước mơ giảng đường của Hằng. Đến nay, mẹ em đã tự đi lại được, khối u cũng không còn nhiều. Sư thầy vui mừng cho biết, Hằng đã tốt nghiệp trường Đại học Y và hiện đang chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ. Vui hơn, hiện Hằng cũng đã lập gia đình.

Bằng tấm lòng bồ tát của mình, sư thầy Thích Diệu Nhân đã nuôi dưỡng cả thân thể và cả ước mơ của nhiều đứa trẻ. Hy vọng rồi mai đây, khi trưởng thành vào đời, những người như Hằng sẽ trở lại, trả ơn thầy, trả ơn đời bằng cách tiếp nối những viện thiện nguyện, để ngày càng có thêm nữa những đứa trẻ kém may mắn được nuôi dưỡng, được yêu thương, chia sẻ, được đến với những chân trời mà chúng khát khao...

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc