"Tham nhũng ở đâu thì tham nhũng, đừng tham nhũng môi trường"

17:29, 10/05/2016
|

(VnMedia) - Phát biểu tại Chương trình Nhịp cầu báo chí về đề tài “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”, tổ chức sáng 10/5 tại Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ đã nói: “Tham nhũng ở đâu thì tham nhũng, đừng tham nhũng trong lĩnh vực môi trường. Tham nhũng vặt ở đâu thì còn có thể quay đi, chứ tham nhũng trong lĩnh vực môi trường để lại hậu quả cực kỳ lớn...

Tiêu chuẩn quy chuẩn thấp do “tham về kinh tế”?

Là người phát biểu đầu tiên tại Chương trình, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vụ việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung vừa qua nổi lên như một tiếng  chuông báo động, trong đó có 3 điểm chiến lược cần rà soát, sốc lại quản lý để tránh thảm họa môi trường.

Trước hết, GS Đặng Hùng Võ cho biết, nhiều nhà khoa học đã bình luận về tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam là “hơi thấp”.

“Tiêu chuẩn môi trường thể hiện yếu tố đánh đổi của chúng ta, hạ thế nào để kích thích phát triển kinh tế. Việc rà soát lại tiêu chuẩn môi trường, trong đó có chuẩn xả thải vào nguồn nước là điều cần xem xét lại” - GS Đặng Hùng Võ nói và thêm rằng: “Có lẽ tiêu chuẩn Việt Nam chỉ phù hợp với giai đoạn chúng ta kêu gọi đầu tư, nhưng nay đã sang một giai đoạn mới và cần phải rà soát lại, phải đưa tiêu chuẩn lên mức đánh đổi phù hợp”.

“Lúc này là lúc cần lựa chọn thêm về mức độ đánh đổi như thế nào” – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ phát biểu tại Chương trình Nhịp cầu báo chí

TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ môi trường cho rằng, nhà nước đã có nhiều cố gắng để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải, nhưng chưa đầy đủ do có hàng vài trăm loại hình sản xuất công nghiệp nhưng chỉ có quy chuẩn cho một số loại hình chính.

“Về cơ bản trong một số năm nay đã thỏa mãn xã hội, nhưng các ngành công nghiệp càng phát triển mở rộng thì phải có nhiều quy chuẩn chi tiết hơn nữa. Chất lượng quy chuẩn của chúng ta đã tiệm cận với yêu cầu của sản xuất và thực tế trước đây cóp nhặt kinh nghiệp của nước ngoài, nhưng những năm gần đây đã đi sát vào thực tế, nhưng có nhiều vấn đề chưa theo kịp thực tiễn.

TS Nhuệ cũng đánh giá, tính tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp còn hạn chế, chủ dự án luôn bám sát lợi nhuận, nhưng thời đại ngày nay doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tuân thủ việc bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi nhuận hài hòa với môi trường.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Chương trình nhịp cầu báo chí sáng nay đều cho rằng, hậu quả môi trường xảy ra ngày nay là do một thời gian dài quá chú trọng kêu gọi đầu tư.

“Vị trí ven biển rất thuận tiện cho nhà đầu tư nhưng chúng ta chưa tính đến vấn đề môi trường. Công nghiệp thép, nhiệt điện đều để ven biển, khi đó đều là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chứng tỏ chúng ta chưa cân nhắc, chúng ta nóng lòng về phát triển kinh tế, chưa có ý thức về thảm họa môi trường” – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, TS Trần Thế Loãn, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho rằng, quy chuẩn phụ thuộc nhiều vào 3 vấn đề: phát triển kinh tế, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp và yêu cầu về chất lượng môi trường của dân cư.

“Luật cũng quy định quy chuẩn thường xuyên thay đổi để đảm bảo 3 yếu tố đó. Càng ngày, yêu cầu về quy chuẩn càng được nâng lên, trong khi đó  về phát triển kinh tế đã qua giai đoạn kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Trước đó cần kêu gọi nên đặt ra quy chuẩn thấp là bình thường. Nhưng hiện nay khi yêu cầu cao lên và năng lực kỹ thuật cao lên thì quy chuẩn phải thay đổi” – TS Trần Thế Loãn nói.

TS Loãn cũng cho rằng, quy định của luật pháp nhiều nhưng năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước chưa đáp ứng được. Đặc biệt, ông Loãn nhận xét, chúng ta đang quá chú trọng về phát triển kinh tế mà chưa thực sự quan tâm đến môi trường.

“Nhiều người nói rằng không vì kinh tế mà bỏ môi trường, nhưng thực tế, chúng ta  tham về kinh tế, nóng vội lợi nhuận kinh tế quá. Chúng ta làm chưa đi đôi với nói” – TS Loãn thẳng thắn nhận xét.

Trong khi đó, không hoàn toàn đồng ý với các ý kiến trên, TS Nguyễn Xuân Sinh, phó Cục trưởng Cục hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam là phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế của từng vùng và “tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đã ban hành kịp thời đầy đủ”, không phải cái gì cũng thấp hơn quốc tế, thậm chí có tiêu chí còn cao hơn.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Sinh cũng thừa nhận, việc ban hành các quy định thì nhiều nhưng việc kiểm soát còn nhiều bất cập, năng lực, công cụ của các cơ quan còn thấp trong khi doanh nghiệp có tính tự giác chưa chưa cao.

Trừ những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường tốt ngay ở quốc gia của họ như Nhật Bản hay các nước châu Âu, khác biệt hẳn với những doanh nghiệp châu Á khác hay doanh nghiệp Việt Nam thường có  ý thức bảo vệ môi trường thấp.

“Qua câu chuyện nước thải Formosa, tôi suy nghĩ là tại sao không có kiểm soát trung gian để cảnh sát môi trường hay nhân dân có thể giám sát kiểm tra được. Ví dụ như yêu cầu thải qua kênh hở trước khi thải ra ngầm để có thể quan sát, kiểm soát”- TS Sinh đề xuất.

Tham nhũng hôm nay 1 đồng thì sau này phải trả giá hàng tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề giám sát xả thải, ông Đặng Hùng Võ đánh giá là “khá thiếu”.

“Ví dụ như cá chết ở Hà Tĩnh,  trong báo cáo mà Thứ trưởng Bộ Tài nguyên đưa ra lúc đầu là không có ống ngầm xả ra biển mà là ra sông Quyền. Nếu đúng là sông Quyền thì chúng ta có thể  giám sát tốt hơn, nhưng trên thực tế là cắm thẳng ra biển” – GS Đặng Hùng Võ nêu vấn đề.

Từ đó, ông Võ đặt câu hỏi: “Cái này có được giám sát quá trình xây dựng không? tôi tin là sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nắm được, nhưng tại sao lại xảy ra điều khác với giải pháp đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường?”

Ông Đặng Hùng Võ cũng băn khoăn: “Có tham nhũng không khi chấp nhận đường ống xả thải trực tiếp ra biển khi biết nó nguy hiểm hơn là xả thải ra sông Quyền?  Hệ thống kiểm soát, thanh tra, giám sát về môi trường là có vấn đề, liệu có việc tham nhũng, nhận lót tay của chủ đầu tư để nhận bằng miệng cho họ làm xả thải ra biển không?”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Tham nhũng hôm nay 1 đồng thì sau này phải trả giá hàng tỷ đồng.”

“Tham nhũng ở đâu thì tham nhũng, đừng tham nhũng trong lĩnh vực môi trường. Tham nhũng vặt ở đâu thì còn có thể quay đi, chứ tham nhũng trong lĩnh vực môi trường để lại hậu quả cực kỳ lớn, không biết chúng ta hay con cháu chúng ta phải trả giá như thế nào” – ông Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Ông Võ cũng cho rằng, việc tham gia của người dân vào việc giám sát môi trường là rất cần thiết, và điều quan trọng là phải có “cửa” để người dân thực hiện giám sát. “Hiện nay, duy nhất luật Đất đai cho phép người dân giám sát trực tiếp, còn tất cả các luật khác, kể cả luật Bảo vệ Môi trường đều không có” - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết và theo ông, nếu cần thiết thì đề nghị Quốc hội bổ sung điều này vào luật Bảo vệ Môi trường vừa thông qua. 


Ý kiến bạn đọc