Quy định 3 tầng hầm để xe: "Lẽ ra phải làm từ lâu!"

09:34, 31/05/2016
|

(VnMedia) - Theo KTS Trần Huy Ánh, việc Hà Nội đưa ra giải pháp 3 tầng hầm để xe và khu vệ sinh công cộng là một yêu cầu cụ thể hóa "Quy định diện tích đỗ xe"... đã được quy định trong "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam" công bố hàng chục năm nay...

chỗ để xe
Theo KTS Trần Huy Ánh, việc xây 3 tầng hầm để xe là cần thiết trước thực trạng xe máy, ô tô lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng - ảnh: VNN

Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây đã thống nhất với đề xuất và giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố, chỉ đạo các sở liên quan và các chủ đầu tư xây dựng công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại, trong thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe, tối thiểu 3 tầng hầm, vừa đảm bảo xe của cư dân và bảo đảm xe của Thành phố.

Tuy nhiên, quy định này ngay sau đó gặp phải nhiều ý kiến trái chiều

Trước hết, rất nhiều người tỏ ý đồng tình với quy định này bởi trên thực tế, cảnh quan đô thị và không gian công cộng tại Hà Nội đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng để xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, các vườn hoa, công viên, ven hồ nước…

Hơn nữa, quy định này cũng phù hợp với quy chuẩn đối với nhà cao tầng hiện nay. Cụ thể, đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe)…

“Đây là tiêu chuẩn tối thiểu, còn nhu cầu tăng cao do sự phát triển của thực tế thì việc tăng diện tích tầng hầm là đúng. Điều này cần giải quyết khi Hà Nội đang thiếu chỗ cho giao thông tĩnh phải đỗ xe trên vỉa hè” - lãnh đạo sở Quy hoạch Kiến trúc nêu quan điểm.

Cùng quan điểm này, trao đổi với VnMedia, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội khẳng định: “Chuyện này lẽ ra phải làm từ lâu!”

Theo KTS Trần Huy Ánh, việc thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp 3 tầng hầm để xe và vệ sinh công cộng là một yêu cầu cụ thể hóa Quy định diện tích đỗ xe, diện tích sàn các công trình nhà ở, văn phòng, dịch vụ thương mại... đã được quy định trong "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam" công bố hàng chục năm nay.

“Nhưng lâu nay người ta không thực hiện nghiêm nên sinh ra tình trạng thiếu hụt chỗ đỗ xe trong nhà, tràn ra ngoài - chiếm dụng bừa bãi vỉa hè, lòng đường, không gian công cộng, cây xanh.... Khi khai thác không gian đô thị thì phải đáp ứng hạ tầng, trong đó có hạ tầng bãi đỗ xe. Không thể đẩy bãi đỗ xe ra ngoài chiếm diện tích công cộng để xã hội phải chịu chung. Nếu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lại không tính đủ chỗ đỗ ô tô/xe máy thì cần xem lại năng lực của các doanh nghiệp này. Trong nền kinh tế thị trường, nhà nước không thể bao cấp chỗ để xe để cho doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh. Đây là sự công bằng, doanh nghiệp sử dụng không gian đô thị để có lợi nhuận thì phải chia sẻ trách nhiệm những lợi ích công cộng” - KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

Ngược lại với các quan điểm trên, khi quy định này được vừa đưa ra, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) ngay lập tức lên tiếng, đề nghị Thành phố có văn bản dừng hiệu lực của Thông báo số 1823/TB-QHKT ngày 14/4/2016 của Sở Quy hoạch kiến trúc, đến khi UBND Thành phố có quyết định chính thức.

Theo Hiệp hội Bất động sản, quy định này gây khó khăn trong quá trình áp dụng, gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, quy định buộc phải xây 3 tầng hầm để xe sẽ khiến cho chủ đầu tư phải tăng giá, gây khó khăn cho việc kinh doanh bất động sản cũng như đẩy giá thành nhà ở lên cao.

Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, các doanh nghiệp phải tự cân đối khi làm kinh doanh.

“Có ý kiến băn khoăn là những quy định không rõ ràng của cơ quan quản lý Quy hoạch kiến trúc sẽ làm cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, hoặc là mảnh đất màu mỡ của cơ chế xin cho…, nhưng theo tôi, điều này dễ giải quyết. Giải pháp thứ nhất là công khai minh bạch, 100% các dự án cao thấp tầng cần công bố tỷ lệ diện tích sàn với diện tích bãi đỗ xe, tôi e rằng 3 tầng hầm chưa chắc đủ. Thực tế tại các cao ốc tại Bankok (Thailand), Manila (Philippin) thì không chỉ mấy tầng hầm mà có khi 1/3 tầng cao của tòa nhà cũng là chỗ đỗ xe mới đủ. Còn những nơi xa trung tâm lại cần có tầng hầm đỗ xe để mặt bằng dành cho thảm cỏ cây xanh, không gian công cộng. Mục tiêu mở rộng Hà Nội từ năm 2008 đã đặt ra như vậy, bây giờ lại càng cần thiết” - KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Giải pháp thứ hai, theo ông Ánh, là có sự tham gia của nhiều bên liên quan.

“Vừa qua Hiệp hội bất động sản đã có tiếng nói mạnh mẽ kịp thời, nếu cơ quan quản lý đưa ra các quyết định chưa phù hợp thì còn có sự tham gia giám sát của xã hội, không chỉ của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, mà còn những tiếng nói đại diện cho trẻ em, người già, người nghèo... làm thế nào để Hà Nội có nhà, có đường, chỗ đỗ xe, sân chơi, vườn hoa cây xanh… Tất cả để phát triển bền vững hài hòa” - ông Ánh nói.

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội:

“Ở trong nhà thì đẹp, bước chân xuống sân chung thì chỗ đi lại bị chiếm dụng, những chiếc xe 4 chỗ lấy mất chỗ vui chơi của người già và con trẻ… Đây là một trong những biểu hiện của cái mà người ta gọi là “khu ổ chuột kiểu mới”. Rõ ràng đây là hậu quả của tầm nhìn hạn chế. Theo tôi, cần nghiêm túc xem lại hệ thống phê duyệt, quy trình thẩm định dự án, ra quyết định quy hoạch và tổ chức giám sát thật chặt chẽ quá trình xây dựng. Nếu không chấn chỉnh ngay, các khu đô thị mới trong tương lai sẽ lại tiếp tục trở thành “sọt rác quy hoạch”.

 


Ý kiến bạn đọc