Mỗi năm hơn 300 người Việt chết vì thiên tai

20:31, 16/05/2016
|

(VnMedia) - Mỗi năm trung bình có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng trăm triệu đô la...

Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị

Sáng nay (16/5), Hội nghị khu vực CA-TBD về Giới và Giảm thiểu rủi ro thiên tai đã diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng trăm triệu đô la. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Từ cuối năm 2015 đến nay,Việt Nam đã và đang phải chống chịu với đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục nhất trong lịch sử đã làm thiệt hại trên 400.000 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp, 26.000 ha lúa phải dừng sản xuất, 476.000 hộ dân thiếu nước ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây nguyên, thiệt hại vật chất ước tính khoảng 9.000 tỉ đồng. Đối tượng ảnh hưởng chủ yếu là nông thôn, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm trên 70%.

“Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nổ lực của toàn dân và chính quyền các cấp, Việt Nam đã từng bước chủ động, triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhất là hoàn thiện, bổ sung hệ thống luật pháp, chính sách về phòng, chống thiên tai; qua đó, thiệt hại về người và tài sản trong 5 năm gần đây (2011-2015) đã giảm đáng kể, số người chết và mất tích giảm 53%, thiệt hại vật chất giảm 32% so với 5 năm trước (2006-2010).” - ông Phát cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thực tiễn công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam cho thấy, phụ nữ chính là những người đầu tiên chuẩn bị cho cả gia đình ứng phó với thiên tai, và cũng là những người đầu tiên đưa cuộc sống của cộng đồng trở lại ổn định sau khi xảy ra thiên tai.

“Họ là những người vợ, người mẹ chuẩn bị lương thực thực phẩm cho gia đình trước mỗi mùa mưa bão, lũ lụt, hạn hán; là những người phụ nữ chăm sóc người già trẻ em khi đi tránh trú bão và là hậu phương vững chắc cho nam giới đi ứng cứu thiên tai xảy ra. Hiện nay, khi ngày càng có nhiều nam giới di cư ra thành phố làm ăn hay đi biển, phụ nữ là lực lượng duy nhất ở lại ứng phó với thiên tai.” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ.

Kêu gọi các quốc gia cùng chung tay để hiện thực hóa việc lồng ghép Giới vào Kế hoạch thực hiện Khung hành động Sendai, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng thời kêu gọi các quốc gia cam kết tiếp tục tăng cường đại diện và tiếng nói của phụ nữ nói chung và Hội Phụ nữ nói riêng vào quá trình lập chính sách, kế hoạch, và triển khai công tác phòng, chống thiên tai ở tất cả các cấp; Nâng cao năng lực của phụ nữ trong công tác phòng chống thiên tai ở tất cả các cấp; đồng thời nâng cao vai trò và vị thế cho phụ nữ và cải thiện điều kiện sống cũng như sinh kế cho họ, cho gia đình họ và toàn thể cộng đồng thông qua việc thực hiện hiệu quả các chương trình và hành động liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…


Ý kiến bạn đọc