Không để các thế lực thù địch lôi kéo quần chúng, phá hoại bầu cử

06:31, 19/05/2016
|

(VnMedia) - "Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân...", đó là một trong những công việc trọng tâm của Hội đồng bầu cử quốc gia.

bầu cử
 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo

Tiếp tục triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 18/5/2016 Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên thứ năm tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ tọa của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Tại phiên họp, Hội đồng bầu cử quốc gia dành thời gian xem xét, thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử từ sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đến nay và một số nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ đạo từ nay đến ngày bầu cử; Báo cáo tình hình công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử; Báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về bầu cử trong cả nước; Báo cáo tình hình giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, Báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia về tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử cho thấy vào thời điểm hiện tại, công tác bầu cử đã bước vào giai đoạn nước rút, với việc tổ chức vận động bầu cử, hoàn thành việc lập, niêm yết danh sách cử tri, kịp thời giải quyết, xử lý và trả lời đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân về những người tham gia ứng cử. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm.

Ngoài ra, Báo cáo cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai từ nay đến ngày bầu cử và một số vấn đề đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia quan tâm chỉ đạo.

Theo đó, hoàn thành việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử của những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, bảo đảm để các ứng cử viên được tiếp xúc, truyền tải đầy đủ chương trình hành động, thông tin về bản thân tới cử tri và nhân dân nơi ứng cử; Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

Hội đồng bầu cử quốc gia cũng sẽ tổ chức cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử (dự kiến họp báo vào ngày 20/5/2016); chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu … tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các đối tượng bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ; đẩy mạnh trang trí, trang hoàng ở các khu dân cư, khu công cộng, điểm bỏ phiếu…

Đặc biệt là công tác tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử.

Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH trong cả nước, gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.

Việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV trong cả nước sẽ được thực hiện chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.

Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Một việc hết sức quan trọng nữa là xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khóa XIV; trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách ĐBQH được bầu. Bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.


Ý kiến bạn đọc