Hai tỉnh có tỷ lệ tham gia bầu cử cao nhất

09:11, 23/05/2016
|

(VnMedia) - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, tính đến 21 giờ 00 ngày 22/6/2016, tổng số cử tri đi tham gia bầu cử là 66.586.622 cử tri, đạt 98,77%.

bầu cử
Trên 99% cử tri cả nước đã đi bầu cử - ảnh: Tuệ Khanh

Nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao (trên 90%). Trong đó, hai tỉnh đạt cao nhất là Thừa Thiên Huế và Yên Bái đạt 99,99%: Lai Châu- 99,96%; Hậu Giang- 99,95%; Bắc Ninh- 99,91%; Đắk Lắk- 99,90%; Lạng Sơn- 99,84%; Ninh Thuân- 99,80%; Tiền Giang- 99,76%; Phú Yên- 99,73%; Tuyên Quang- 99,74%; Sóc Trăng- 99,69%; Khánh Hòa- 99,67%; Quảng Ninh- 99,66%; Cao Bằng- 99,65%; Thái Nguyên và Đắk Nông- 99,60%; Phú Thọ 99,57%; Vĩnh Long- 99,53%; Thanh Hóa- 99,52%; Quảng Trị và Nam Định 99,50%... Hầu hết cả Tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy đinh.

Theo quy định, sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử, Ủy ban bầu cử các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ có Biên bản xác định kết quả bầu cử gửi Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau khi kết thúc kiểm phiếu, các Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có báo cáo về tình hình và kết quả sơ bộ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử sẽ công bố chính thức kết quả bầu cử.

Tối qua, trao đổi với phóng viên tại Trung tâm báo chí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công tác tổ chức bầu cử lần này đã có nhiều cải tiến, được chuẩn bị chu đáo từ sớm và tổ chức thực hiện bài bản góp phần vào thành công chung của toàn cuộc bầu cử.

Công tác thông tin tuyên truyền được tập trung triển khai với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp, chú trọng về ý nghĩa của cuộc bầu cử, về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu... tạo không khí phấn khởi cho cử tri cả nước tích cực tham gia cuộc bầu cử. Hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân để đông đảo cử tri cả nước tích cực tham gia bầu cử.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay, cuộc bầu cử lần này có nhiều điểm mới đó là cơ cấu tỷ lệ đại biểu nữ và đại biểu dân tộc thiểu số được tăng lên; mở rộng quyền bầu cử đối với những người bị tạm giữ, tạm giam và quy định về việc tham gia chứng kiến kiểm phiếu của người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm, phóng viên báo chí.

“Những điều này không chỉ đảm bảo cho người dân được hiện quyền bầu cử của mình lựa chọn những người có đủ tài năng, phẩm chất, đạo đức đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước mà còn tạo cơ sở cho cuộc bầu cử diễn ra công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.


Ý kiến bạn đọc