"Nóng" cùng chung kết English Champion 2016

08:19, 10/04/2016
|

(VnMedia) - Chiều 9/4, 16 thí sinh xuất sắc nhất toàn quốc đã chính thức tham gia Chung kết cuộc thi English Champion 2016, diễn ra tại Hội trường Trường Marie Curie (Hà Nội).

Tại vòng thi này, các thí sinh đã thể hiện khả năng thuyết trình và trình bày ý tưởng sáng tạo thông qua những chủ đề mà Ban tổ chức đưa ra. Đây là những thử thách đối với các thí sinh với những chủ đề có tính thời sự như: Bảo vệ động vật hoang dã, lựa chọn biểu tượng của Việt Nam, làn sóng thần tượng Hàn Quốc, các hoạt động của tổ chức tình nguyện quốc tế...

Cơ hội thể hiện cá tính, bày tỏ quan điểm của các công dân toàn cầu tương lai

Nói về các chủ đề năm nay, chị Quỳnh Chi, phụ huynh thí sinh Cao Mỹ Duyên (khối 4) cho biết: “Các chủ đề cuộc thi năm nay khá “nặng ký” cho thí sinh, nhất là đối với các thí sinh nhỏ tuổi. Ví dụ như ở Khối 4, các thí sinh đã phải tư duy về các vấn đề lớn như cách làm việc nhóm, lựa chọn biểu tượng Việt Nam, bảo vệ động vật hoang dã…”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù ở lứa tuổi trẻ em, nhưng các thí sinh đã có những quan điểm riêng biệt và độc lập về những vấn đề toàn cầu như: năng lượng, giáo dục, bảo vệ môi trường. Các thí sinh đều ý thức được rõ những vấn đề đang diễn ra và mong muốn cải thiện những vấn đề tồn đọng như nạn ô nhiễm, lãng phí năng lượng… Điều này thể hiện trong phần thi “Clip được yêu thích nhất” trong khuôn khổ bên lề Chung kết English Champion 2016. Trên Fanpage cuộc thi (https://www.facebook.com/Englishchampion.edu.vn), các video clip của thí sinh đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình chọn của khán giả.  


Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị An Quyên - Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi English Champion 2016 cho rằng: “Chúng tôi luôn coi các thí sinh là những công dân toàn cầu tương lai. Bởi vậy các thí sinh có quyền được phát biểu, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới và cần được lắng nghe và tôn trọng các ý kiến cá nhân. Có như vậy các thí sinh mới càng ngày càng trưởng thành hơn và hoàn thiện được cả về tư duy, bản lĩnh và ý thức được trách nhiệm mỗi cá nhân trên con đường trở thành công dân quốc tế. Các chủ đề của Vòng chung kết English Champion 2016 cũng hướng đến những vấn đề mang tính thời sự trong thời gian gần đây như làn sóng hâm mộ Hàn Quốc, vấn đề học lịch sử trong trường học… hoặc các thí sinh phải đặt mình ở vị trí người có trách nhiệm với những vấn đề của toàn cầu như bảo vệ động vật hoang dã, hoạt động của các tổ chức tình nguyện…”.

Cùng chung quan điểm, trong khuôn khổ buổi giao lưu với Đại sứ quán Israel và các thí sinh English Champion 2016, bà Loreen, giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Orca đánh giá người dân Việt Nam và Israel có rất nhiều điểm tương đồng về tố chất, lịch sử. Trẻ em Việt Nam rất thông minh, dám nghĩ, dám làm, bởi vậy cần kích thích khả năng đặt câu hỏi, hùng biện và phản biện mọi lĩnh vực trong cuộc sống của các em ngay từ khi còn nhỏ. Như vậy sẽ giúp các em có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nơi dòng chảy tri thức luôn vận động không ngừng.

Tiêu chí trở thành nhà vô địch

Mỗi thí sinh sẽ bốc thăm chọn thứ tự phần thi của mình. Thí sinh bốc được thứ tự số 1 của từng khối sẽ bốc thăm chủ đề thuyết trình của khối đó. Với cùng 1 chủ đề, các thí sinh có cơ hội thể hiện nổi bật từng cá tính, từng góc nhìn chung cho một vấn đề. Phần thuyết trình có thời gian quy định không quá 5 phút, sau đó thí sinh sẽ tham gia phần hỏi đáp, tương tác với giám khảo với thời gian không quá 2 phút.

Mặc dù gặp các chủ đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng các thí sinh không thể trình bày đúng và đầy đủ nội dung, tuy nhiên theo thông tin từ Ban Giám khảo, nội dung bài trình bày chỉ là 1 trong 9 tiêu chí đánh giá. Nhà vô địch sẽ là người được đánh giá cao ở tất cả các yếu tố: Cách giới thiệu; Cách tổ chức bài thuyết trình; Sự sáng tạo; Nội dung trình bày; Cách trình bày; Sử dụng các công cụ hỗ trợ phù hợp và hiệu quả; Cách kết thúc bài thuyết trình; Trả lời câu hỏi từ BGK; Thông điệp truyền tải. Điểm tối đa cho mỗi yếu tố trình bày xuất sắc là 5 điểm. Các thí sinh có thể chuẩn bị trước slide, biểu đồ, tranh ảnh, đoạn phim để minh họa tuy nhiên không được sử dụng giấy để đọc bài chuẩn bị sẵn.

Thí sinh có điểm trung bình cao nhất sẽ trở thành Nhà Vô Địch mỗi khối và nhận được giải thưởng gồm: 01 cúp vô địch, 01 máy tính bảng từ nhà tài trợ Nahi, 5 triệu đồng tiền mặt, học bổng các khóa học tại Học viện IvyPrep trị giá 60 triệu đồng, 01 bộ tranh từ nhà tài trợ Vườn tâm hồn và quà tặng từ các nhà tài trợ khác. Các thí sinh giải ba và giải nhì sẽ nhận được giải thưởng tương ứng 1-3 triệu đồng tiền mặt, học bổng tại Học viện IvyPrep trị giá 15-30 triệu đồng, 01 máy tính bảng từ nhà tài trợ Nahi, 01 bộ tranh từ nhà tài trợ Vườn tâm hồn và quà tặng từ các nhà tài trợ khác.

Kết quả chung cuộc: Các thí sinh miền Bắc tiếp tục chiếm ưu thế

Trong Vòng thi thuyết trình và trình bày ý tưởng sáng tạo, các thí sinh English Champion đã tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh khi đối mặt với những chủ đề khó.

Ở Khối 4, các thí sinh nhỏ tuổi đã nhận được chủ đề yêu cầu lựa chọn biểu tượng cho Việt Nam. Cả 4 thí sinh Khối 4 đều đưa ra những biểu trưng khác nhau với những lập luận thú vị và thuyết phục.

Thí sinh Cao Mỹ Duyên, học sinh khối 4 Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã lựa chọn 03 biểu tượng cho Việt Nam gồm: hình ảnh phụ nữ Việt Nam biểu trưng cho sự phồn thịnh và sức hấp dẫn của Việt Nam, cây tre biểu trưng cho sức mạnh và truyền thống lâu đời của người Việt, mặt trời và mây biểu trưng cho tương lai tươi sáng. Trong phần câu hỏi phụ, khi được giám khảo yêu cầu mô tả con người Việt Nam cho bạn bè quốc tế và tác dụng của cây tre, Mỹ Duyên cho biết người Việt Nam tuy nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ và kiên cường, luôn chiến đấu kiên cường trong quá khứ và hiện tại, cây tre có thể chiến đấu chống lại kẻ thù như trong chuyện Thánh Gióng và bảo vệ làng xóm như những câu chuyện mẹ kể.

Thí sinh Đỗ Đình Phú, Trường Marie Curie (Hà Nội) lại lựa chọn biểu tượng Việt Nam là chiếc nón lá, mặc dù ở mỗi khu vực có những loại nón lá khác nhau, làm từ những nguyên liệu khác nhau nhưng đây luôn là vật dụng quen thuộc hàng ngày, xuất hiện trong nhiều truyền thuyết của người Việt, đến giờ nó vẫn luôn là vật lưu niệm được yêu thích của du khách. Khi được hỏi ngoài nón lá, em sẽ chọn biểu tượng nào khác, Đỗ Đình Phú cho biết em sẽ lựa chọn Áo dài.

Là một trong hai đại diện khu vực phía Nam, Đỗ Ngọc Yến Nhi - Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.HCM) lựa chọn Áo dài làm biểu tượng Việt Nam bởi đây là trang phục truyền thống của người Việt được sử dụng trong các dịp lễ tết hoặc tại trường học. Dù sử dụng trong hoàn cảnh nào, thiết kế áo dài cũng để lại ấn tượng đặc biệt nhờ thiết kế mềm mại, phù hợp nhiều vóc dáng, khiến người phụ nữ đẹp lộng lẫy và quyến rũ. Yến Nhi cho rằng, áo dài biểu chưng cho văn hóa Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Trong câu hỏi phụ, em cũng cho biết mình sẽ luôn mặc áo dài bởi đây là một đặc trưng của Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Vinh Sơn, Trường tiểu học Hòa Bình (TP.HCM) là thí sinh thứ 2 khu vực miền Nam lựa chọn Hoa sen làm biểu trưng của Việt Nam. Em cho rằng hoa sen là loài hoa đẹp, được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam, mặc dù sống trong bùn lầy vẫn tỏa hương thơm ngát, loài hoa này dạy cho chúng ta bài học về việc vượt qua khó khăn để thành công.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Cao Mỹ Duyên- Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã giành giải Vô địch, đứng thứ 2 là Đỗ Ngọc Yến Nhi- Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.HCM), thí sinh Nguyễn Ngọc Vinh Sơn- Trường tiểu học Hòa Bình (TP.HCM) và Đỗ Đình Phú- Trường Marie Curie (Hà Nội) đồng giải 3.

Các thí sinh khối 5 đã bắt được chủ đề về phương pháp tái chế rác thải. Thí sinh Nguyễn Khắc Hồng Hải, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) nhận định, hàng ngày chúng ta đang xả ra môi trường một lượng rác thải khổng lồ, khiến môi trường bị ô nhiễm. Bởi vậy mọi người cần khuyến khích các cá nhận thường xuyên tái sử dụng hoặc tái chế các vật liệu giấy, thủy tinh, nhựa… Bản thân em cũng thường xuyên nói với mọi người về ích lợi của việc tái chế, phân loại các đồ vật có thể tái chế đưa cho các cô chú lao công.

Thí sinh Nguyễn Nam Huy, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A (Hà Nội) cũng cho biết thực trạng môi trường đáng báo động tại Việt Nam, 50 năm trước môi trường còn trong sạch, nhưng đến bây giờ rác thải ở khắp nơi, môi trường ô nhiễm nặng nề, các khu rừng bị chặt phá và không ai có thể sử dụng trực tiếp các nguồn nước sông hồ như trước. Em cũng đưa ra các đề xuất để tái chế như: đưa các dự án xanh vào trường học, sử dụng thùng rác phân loại, tái sử dụng chai nhựa, thay vì vứt đi có thể dùng để trồng cây, làm đồ chơi, ngoài ra còn cần trồng thêm nhiều cây xanh để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thí sinh Đặng Trần Đoan Trang, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) cho biết, rác thải là một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Chúng ta nên đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy xử lý rác thải, khuyến khích phân loại và tái chế, nâng cao nhận thức để mọi người thay đổi thói quen tái chế rác thải, phạt nặng với các hành vi làm ô nhiễm môi trường.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Đặng Trần Đoan Trang- Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) đã giành vị trí Vô địch, Nguyễn Nam Huy- Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A (Hà Nội) giải Nhì và Nguyễn Khắc Hồng Hải- Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) giành giải Ba.

Các thí sinh khối 6 được hỏi về chủ đề có nên học Lịch sử hay không. Tất cả các thí sinh đều ủng hộ học Lịch sử trong trường học bằng nhiều lý lẽ khác nhau.

Thí sinh Nguyễn Phan Ý Nhi, Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.HCM) cho biết học sinh cần học lịch sử bởi đây là môn học giúp chúng ta tìm thấy cội nguồn, nâng cao tinh thần dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu đất nước, tổ tiên giống như tình yêu con cái dành cho cha mẹ, rút ra kinh nghiệm từ những bài học lịch sử, thông qua lịch sử, mọi người cũng có thể biết thêm về văn hóa, phong tục mỗi nước. Em cho rằng chúng ta nên học Lịch sử nhiều hơn, sử dụng nhiều phương pháp dạy và học lịch sử, tổ chức các cuộc thi liên quan đến lịch sử…

Thí sinh Dương Minh Khôi, Trường Hà Nội Amsterdam nhận định, lịch sử giúp chúng ta quý trọng những gì mình có, rút ra các bài học của những người đi trước từ đó hoàn thiện bản thân, cũng như bảo tồn các di sản và bản sắc dân tộc. Lý do khiến môn lịch sử bị nhiều học sinh than nhàm chán bởi quá nhiều số liệu, học 1 chiều… bởi vậy em đề xuất nên dạy lịch sử qua cả cái tốt và xấu, phương pháp học chủ động, nhiều hình thức truyền đạt thông tin khác nhau, thăm quan và tìm hiểu tại các di tích lịch sử.

Thí sinh Nguyễn Thị Nhã Văn, Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, tuy lịch sử là môn học khó nhớ nhưng rất quan trọng, giúp kết nối từ quá khứ tới tương lai, biết về những khó khăn, thách thức trong quá khứ từ đó truyền cảm hứng hành động, dạy chúng ta những bài học nhân quả trong quá khứ, từ đó có cái nhìn cho thế hệ tương lai, lịch sử có tầm quan trọng ngang với các môn khác như khoa học. Em cũng mong muốn được học lịch sử thông qua những các câu chuyện để môn học được hấp dẫn hơn.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Dương Minh Khôi- Trường Hà Nội Amsterdam đã giành ngôi Vô địch, giải Nhì là thí sinh Nguyễn Phan Ý Nhi- Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.HCM), và giải Ba là Nguyễn Thị Nhã Văn- Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội).

Khối 7 cuộc thi đã nhận một chủ đề khá gần gũi của học sinh đó là ảnh hưởng từ bạn bè có hữu ích đối với cá nhân hay không.

Thí sinh Bùi Vũ Gia Phúc, Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho biết, ảnh hưởng từ bạn bè rất quan trọng, do lứa tuổi  thiếu niên dễ bị ảnh hưởng tác động bởi bạn bè. Áp lực bạn bè có thể dẫn tới hành động xấu hoặc tốt tùy theo quyết định mỗi người, bởi vậy mỗi cá nhân cần cân nhắc kỹ chứ không để bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè một cách mù quáng. Khi được hỏi về phẩm chất người bạn tốt, Gia Phúc cho biết, bạn tốt là người biết giới hạn giữa cuộc sống cá nhân của mỗi người, cần biết phân biệt phải trái và có thể đưa ra những lời khuyên tốt.

Thí sinh Đỗ Đức Minh, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, con người có xu hướng bị ảnh hưởng bởi bạn bè xung quanh. Nó có thể khiến mỗi người bị nhiễm thói hư tật xấu, khiến mọi người giống nhau nhưng bên cạnh đó cũng có thể khiến chúng ta có áp lực để phấn đấu và cải thiện bản thân. Ví dụ như bản thân em cũng đã từng thấy bạn bè đạt giải cao trong kỳ thi và em đã cố gắng chăm chỉ để được như vậy.

Thí sinh Phạm Trần Lan Khuê, Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng ảnh hưởng bạn bè đã là một vấn đề nan giải từ lâu, ví dụ như em đã từng theo bạn mà chửi thề, có nhiều trường hợp bị áp lực bạn bè mà dẫn tới tự tử. Bởi vậy bên cạnh việc mỗi học sinh cần có chính kiến và quan điểm riêng, các phụ huynh cũng cần quan tâm hơn tới con cái. Bản thân em cũng không tạo áp lực lên bạn bè mà chỉ đưa ra các lời khuyên, em luôn có chính kiến và tự đưa ra các quyết định của bản thân.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Phạm Trần Lan Khuê- Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã trở thành Nhà Vô địch khối 7, giải Nhì thuộc về Bùi Vũ Gia Phúc- Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), giải Ba thuộc về thí sinh Đỗ Đức Minh - Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội).

Khối 8 các thí sinh English Champion có chủ đề Em phải làm gì nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam?

Thí sinh Phạm Đức Dũng, Trường THCS Hà Nội Amsterdam cho biết, Việt Nam học tiếng Anh từ sớm nhưng chỉ số thành thạo chỉ đứng thứ 29, thiếu các kỹ năng giao tiếng bằng tiếng Anh, ở một số nơi giáo viên còn chưa đạt chuẩn. Trong khi đó, ở bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam gia nhập các cộng đồng chung TPP, AEC, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh sẽ tăng cơ hội cạnh tranh, từ đó góp phần cải thiện kinh tế. Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 cần nâng cao chất lượng học tập, khuyến khích mọi người đều học tiếng Anh, đầu tư nhiều hơn cho việc dạy và học tiếng Anh.

Thí sinh Nguyễn Thái Hà, Trường Archimes Academy (Hà Nội) cho rằng tiếng Anh có tầm ảnh hưởng rộng rãi, giúp Việt Nam phát triển kinh tế và ngoại giao, hội nhập với thế giới, giúp mọi người tăng cường giao tiếp, mở rộng kho tàng tri thức nhân loại và cũng giúp phổ biến văn hóa Việt Nam ra thế giới, đây là xu hướng không thể thiếu trong công cuộc toàn cầu hóa, phát triển kinh tế và mở rộng quan hệ ngoại giao. Khó khăn ở đây chính là do suy nghĩ của mỗi người, tuy nhiên vấn đề có thể giải quyết được với cách học tập hiện đại, linh hoạt.

Thí sinh Huỳnh Ngọc Phương Thu, Trường Việt Úc (TP.HCM) cho rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế, giúp nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức, thăng tiến trong nghề nghiệp, có thể làm việc trong môi trường toàn cầu hóa. Tiếng Anh có vị trí không thể thay thế bởi đây là ngôn ngữ được sử dụng ở hơn 100 quốc gia, trở thành tiêu chuẩn toàn cầu và là ngôn ngữ của rất nhiều tài liệu sách báo.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Nguyễn Thái Hà - Trường Archimes Academy (Hà Nội) đã trở thành Nhà Vô địch, đứng thứ 2 là Phạm Đức Dũng- Trường THCS Hà Nội Amsterdam và thí sinh Huỳnh Ngọc Phương Thu - Trường Việt Úc (TP.HCM) đứng thứ 3.


Ý kiến bạn đọc