Nhà báo Trần Đăng Tuấn: "Tôi không mảy may bất ngờ…"

07:50, 17/04/2016
|

(VnMedia) - Chia sẻ trên trang cá nhân về việc mình bị loại khỏi danh sách bầu cử, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho biết, ông dù có phần tiếc nuối nhưng ông “không mảy may bất ngờ và buồn bực…”

Trần Đăng Tuấn
Nhà báo Trần Đăng Tuấn với trẻ em vùng cao

Như VnMedia đã đưa tin về việc nhà báo Trần Đăng Tuấn cùng 45 người khác không có tên trong danh sách ứng viên sau vòng hiệp thương cuối cùng hôm 15/4, trong khi rất nhiều người chia sẻ sự tiếc nuối thì bản thân ông vẫn bình thản với công việc từ thiện cho trẻ em nghèo ở vùng cao.

Đến chiều 16/4, ông Trần Đăng Tuấn mới có những dòng chia sẻ đầu tiên về sự việc này.

Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, ông được biết qua báo chí rằng Hội Nghị Hiệp thương lần 3 do Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức đã không đưa phần lớn các cá nhân tự ứng cử vào danh sách bầu đại biểu Quốc hội khoá 14 và “có những người trong số họ tôi đánh giá cao và trân trọng. Tôi cũng nằm trong số ứng cử viên không được chọn.”

Ông Trần Đăng Tuấn cho biết bản thân ông không bình luận, cũng không quan tâm lý do và động cơ khiến số đông trong 83 người dự cuộc họp này không ủng hộ ông ứng cử.

“Theo thủ tục bầu cử hiện nay, họ có quyền như vậy. Họ cũng có trách nhiệm với xã hội và cử tri khi sử dụng quyền này. Đó là việc của họ.” – ông Tuấn viết và chia sẻ: ông đã chuẩn bị kế hoạch riêng cho mình trong trường hợp trúng cử để góp phần nhỏ bé vào thúc đẩy, giám sát 5 lĩnh vực.

Đứng đầu trong mối quan tâm của nhà báo Trần Đăng Tuấn trong kế hoạch hành động nếu trúng cử là vấn đề an toàn thực phẩm; Thứ 2, ông quan tâm đến hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo; Thứ 3 là bảo vệ quyền lợi của cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng hoặc bị yếu thế trong quá trình biến động phát triển kinh tế -xã hội; Thứ 4 là hành lang pháp lý và thực tế rộng rãi hơn cho sáng kiến, sự tự quản của người dân, thông qua các hình thức của xã hội dân sự lành mạnh và cuối cùng, đó là vai trò lớn hơn của báo chí và của truyền thông trong xã hội.

“Với kết quả hiệp thương này, về mặt cá nhân, tôi sẽ có cuộc sống ít áp lực hơn. Nhưng tôi có phần tiếc nuối là không có những điều kiện mà tư cách Đại biểu Quốc hội đem lại để thực hiện dù chỉ một phần những công việc như đã kể ra ở trên, cũng như tham gia vào các công việc khác vì quyền lợi chung của tất cả mọi người dân, trong đó có tôi.” – nhà báo Trần Đăng Tuấn viết nhưng nhấn mạnh thêm: “Dù vậy, tôi không mảy may bất ngờ hay buồn bực.”

Ông cũng nhắc lại điều mà bản thân ông đã từng chia sẻ: “Tôi có nhiều việc khác để làm và có nhiều cách khác để đóng góp như một công dân.”

Đáp lại sự chia sẻ và chờ đợi của hàng ngàn người yêu mến và ủng hộ ông, nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ: “Tôi viết status này để chân thành cám ơn tất cả cử tri nơi cư trú, cử tri nơi công tác đã ủng hộ tôi. Chân thành cám ơn hàng chục ngàn người đã ủng hộ tôi khi gặp gỡ trực tiếp hoặc qua mạng xã hội. Cám ơn các đồng nghiệp báo chí đã chú ý nhiều đến việc tự ứng cử của tôi. Cám ơn thiểu số thành viên của Hội nghị Hiệp thương lần 3 đã tín nhiệm tôi. Tôi vô cùng trân trọng sự ủng hộ này từ các vị và các bạn.”

Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957, quê Nam Định, là tiến sĩ chuyên ngành Truyền hình được đào tạo tại Đại học Tổng hợp Lomonosov và Viện Hàn lâm Khoa học ở Liên Xô. Trước khi về công tác tại Ban Thời sự Quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), ông công tác tại Đại học Tuyên giáo, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã đảm nhiệm nhiều vị trí tại VTV sau hơn 20 năm gắn bó, từ biên tập viên, bình luận viên thời sự quốc tế đến Phó tổng giám đốc. Cuối năm 2010, ông xin thôi chức Phó tổng giám đốc VTV.

Năm 2011, ông làm Tổng giám đốc Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thuộc An Viên Group từ 2011. Ông đặc biệt được hàng ngàn người mến mộ, tin tưởng cùng đóng góp vào công việc có ý nghĩa là mang lại những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn cho trẻ nhỏ vùng cao qua phong trào “Cơm có thịt” mà ông khởi xướng.

Hôm 12/3, ông Trần Đăng Tuấn đã tới nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại điểm tiếp nhận của Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội. Chia sẻ trên trang cá nhân, ông cho biết lý do duy nhất tự ứng cử vì “nếu là đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn”, nhưng đồng thời thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi không quá thiếu thực tế. Kể cả nếu sau hiệp thương tên tôi có trong danh sách để bầu, thì cơ hội trúng cử của tôi, một người tự ứng cử, khách quan mà nhìn nhận, là không nhiều”.

Đúng như ông Tuấn đã dự báo, dù được 100% cử tri nơi cư trú tín nhiệm, ông Tuấn vẫn bị loại tại vòng hiệp thương cuối cùng. Nói về lý do nhà báo Trần Đăng Tuấn bị loại, bà Phó Chủ tịch thường thực MTTQ Hà Nội Lê Thị Kim Oanh cho biết, dù hầu hết các ứng viên về cơ bản là đủ điều kiện, nhưng việc hiệp thương còn liên quan đến cơ cấu, số lượng, thành phần có hạn nên phải “so bó đũa chọn cột cờ.”

Theo bà Oanh, cần phải xem xét xem những người ứng cử đó có đại diện cho số đông giúp cho phát triển Thủ đô, phát triển đất nước hay không.


Ý kiến bạn đọc