Đại biểu Lê Như Tiến: Cử tri lo lắng về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm

11:54, 01/04/2016
|

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, cử tri hết sức lo lắng về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi “mỗi người hàng ngày thay vì hấp thụ dinh dưỡng thì lại bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình”.

lê như tiến
Đại biểu Lê Như Tiến

Thảo luận tại hội trường sáng ngày 1/4, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nêu lên nhiều vấn đề tồn tại cả về xã hội và kinh tế, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh về môi trường đầu tư, môi trường sống.

Đề nghị đưa chỉ số vệ sinh ATTP vào tiêu chí đánh giá sự phát triển của địa phương

Nói về vấn đề mà lâu nay người dân đang đặc biệt lo ngại, đại biểu Lê Như Tiến cho biết, cử tri hết sức lo lắng về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi “mỗi người hàng ngày thay vì hấp thụ dinh dưỡng thì lại bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình”.

Về môi trường sống ở đô thị, đại biểu tỉnh Quảng Trị lo lắng về  vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.

“Đây là mối lo thường nhật của người dân. Có nơi, người dân ra đường nơm nớp nỗi lo xâm hại. Một nữ du khách nước ngoài nước mắt lưng tròng vì bị giật mất túi xách ngay giữa đô thị. Mặc dù lực lượng công an đã rất nỗ lực nhưng chưa chặn được hành vi táo tợn, cướp giữa ban ngày. Khách du lịch thăm một số danh lam bị chèo kéo, chặt chém, bắt buộc...,làm cho du khách một đi không trở lại bởi cách hành xử chụp giật của một số nhà hàng, khách sạn...” - đại biểu Lê Như Tiến nêu thêm.

Ông Lê Như Tiến đề nghị đề nghị đưa thêm chỉ số vệ sinh ATTP, an ninh trật tự, an toàn xã hội vào tiêu chí đánh giá sự phát triển của mỗi địa phương và của toàn xã hội.

Về môi trường văn hóa, đại biểu Tiến cho rằng đang có sự lệch chuẩn trong hành xử và thụ hưởng văn hóa. “Người ta rất tiết kiệm dùng từ cảm ơn, xin lỗi. Thay vì cảm ơn, xin lỗi họ lại dư thừa việc chỉ cần va chạm nhẹ là nó có thể dùng vũ lực, rồi bạo lực học đường, khiến mọi người thấy bất an ở môi trường mà lâu nay luôn cho rằng là an toàn nhất...” - ông Lê Như Tiến nói.

Nói về môi trường công vụ với tình trạng nhiều người chưa coi mình là công bộc của dân, sinh ra để phục vụ dân, đại biểu Tiến e ngại: “Khi cơ chế xin cho còn thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu vì đã xin phải có cái gì cho”.

Dẫn lại lời Tổng Bí thư nói rằng, “cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy chạy ai, ai chạy?”, đại biểu Lê Như Tiến chua chát nói: “Cử tri mong muốn chỉ đi là đến và không cần phải chạy”.

“Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri với tâm trạng băn khoăn về tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định, dù đau đớn cũng phải cắt bỏ ung nhọt về tham nhũng. Phó Chủ tịch nước thì day dứt “họ ăn của dân không từ một cái gì”, đại biểu Quốc hội thì đầy lo âu, quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”, ông Lê Như Tiến liệt kê lại và cho rằng: “Đó là những câu hỏi còn treo lơ lửng đang chờ câu trả lời của các cơ quan bảo vệ pháp luật để cho môi trường XH được trong, sạch hơn”.

Cần tạo lập môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh

Về môi trường đầu tư, đại biểu tỉnh Quảng Trị nói: “Chúng ta tha thiết mời gọi các nhà đầu tư để phát triển kinh tế xã hội nhưng những chủ trương chính sách, tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện là những rào cản, barie làm vô hiệu hóa”.

Ông nêu lên những thực trạng nhức nhối như: nhiều nơi làm khó cho các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng. Một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, bôi trơn làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

“Đến nỗi trong thảo luận kinh tế, xã hội đã có đại biểu phát thốt lên “Đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim.” Thế có nghĩa là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm dưới rải đinh, các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”- đại biểu Lê Như Tiến ví von một cách bức xúc.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng lo ngại khi: ”Chúng ta hội nhập với quốc tế ngày càng sâu rộng. Các Hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết và đang dần hiện thực hóa, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp của chúng ta đang bơi trong một biển các Hiệp định, chưa xác định đâu là điểm xuất phát, đâu là điểm đến. Vì thế, tạo lập môi trường hội nhập để các “bơi thủ” chúng ta không bị chìm trước biển hội nhập mênh mông; Tạo lập môi trường sạch cho phát là triển kinh tế, xã hội là nền tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai. Đó cũng chính là nhiệm vụ nặng nề mà nhân dân trao gửi cho Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới”- ông Lê Như Tiến nói.


Ý kiến bạn đọc