Tổng Thư ký Quốc hội: Chỉ hát hay không thể làm đại biểu!

19:45, 18/03/2016
|

(VnMedia) - "Vào Quốc hội phải có kiến thức rất rộng, có đủ năng lực để có thể tham gia xây dựng luật, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, tiếp xúc cử tri... Nếu chỉ biết hát hay thì không thể làm đại biểu quốc hội (ĐBQH)" - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Chiều 18/3, tại buổi họp báo chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nhiều nghệ sĩ tự ứng cử ĐBQH, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH nêu quan điểm: “Vào Quốc hội không phải chỉ có hát hay mà phải có kiến thức rất rộng, có đủ năng lực để có thể tham gia xây dựng luật, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, đi tiếp xúc cử tri… Nếu người nghệ sĩ có đủ các năng lực đó thì rất tốt. Người ứng cử phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn ĐBQH thì ứng cử và dân sẽ chọn. Còn nếu nghệ sĩ chỉ biết hát hay thì không thể làm ĐBQH được.”

Về câu hỏi có ý kiến cho rằng những cá nhân tự ứng cử mà không thông qua các tổ chức giới thiệu thì sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, “ĐBQH phải mang ý chí của cử tri, của nhân dân chứ không phải mang ý kiến cá nhân mình vào hội trường. Đã là đại biểu của dân, của cử tri thì phải qua tiếp xúc cử tri để chuyển tải ý kiến cử tri, tiếng nói của dân đến Quốc hội. Đại biểu không thể nói khác tiếng nói của dân được. Nếu không thì bản thân Đại biểu đó sẽ không được dân đồng tình.”

Đối với các trường hợp người ứng cử đang tự giới thiệu bản thân qua các mạng xã hội, thậm chí có trường hợp còn tự công khai cả chương trình hành động và kê khai tài sản, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đó là quyền của cá nhân mỗi người.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, một số người làm điều đó lúc này là “hơi sớm” bởi tất cả những người ứng cử thì hồ sơ đều kê khai giống nhau, khi vận động bầu cử quy trình cũng giống hệt nhau. Hiện nay mới đang hiệp thương vòng 2 và còn phải qua vòng 3 nữa thì mới đưa danh sách về địa phương để lấy ý kiến người dân nơi người ứng cử cư trú. Sau đó thì các ứng cử viên mới tiến hành vận động theo luật. “Luật không cho phép ai vận động trái pháp luật để đảm bảo bình đẳng.”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Dành 10,5 ngày để quyết định nhân sự lãnh đạo nhà nước

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lê Minh Thông, Phó Tổng thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, kỳ họp 11 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 21/3 tới và làm việc trong 19 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 12/4/2016.

Lê Minh Thông
Ông Lê Minh Thông - Phó Tổng thư ký Quốc hội tại buổi họp báo

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Về chương trình xây dựng luật, kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian của kỳ họp này (khoảng 10,5 ngày, từ 31/3 đến 12/4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự nhà nước vì sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời Bộ Chính trị cũng đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ông Lê Minh Thông cho biết, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Còn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc kiện toàn nhân sự của kỳ họp này khá rộng, bao gồm 3 chức danh là Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

"Giới thiệu ai thì chờ đến khi làm nội dung nhân sự sẽ biết. Công tác nhân sự do Đảng lãng đạo nên Đảng sẽ giới thiệu, khi đó mới là chính thức và Quốc hội sẽ thay mặt nhân dân tín nhiệm bỏ phiếu cho các chức danh đó", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo ông Phúc, sau Đại hội Đảng 12, một số chức danh không tiếp tục tham gia Ban chấp hành TƯ và Bộ Chính trị, mà đến tháng 7 tới Quốc hội khóa 14 mới họp phiên đầu tiên là thời gian tương đối dài.

"Đây là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng 12, cần tinh thần, động lực, khí thế mới để thực hiện tốt năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và cho biết, đây không phải lần đầu tiên, mà đã có tiền lệ tại kỳ họp 9 Quốc hội khóa 11, hồi tháng 6/2006. Khi đó đã miễn nhiệm và bầu mới các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Tổng thư ký Quốc hội cũng giải thích thêm: Lần kiện toàn nhân sự này là cho bộ máy nhà nước khóa 13, bởi vì luật cho phép kiện toàn trong khóa, không cần chờ hết nhiệm kỳ 5 năm. Khi Quốc hội khóa 14 họp kỳ đầu tiên, các nội dung nhân sự của kỳ họp đó vẫn tiến hành bình thường.


Ý kiến bạn đọc