Thuế tự vệ khiến "giá đang rẻ thành đắt"

18:47, 25/03/2016
|

(VnMedia) - Lấy ví dụ việc áp thuế tự vệ cho phôi thép làm xuất hiện hiện tượng găm hàng, tăng giá, ảnh hưởng đến giá bất động sản, đại biểu Quốc hội cảnh báo: "Nếu đưa ra thuế tự vệ mà không cân nhắc kỹ thì thiệt hại cho người tiêu dùng"...

Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Góp ý cho Dự thảo, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các quy định về thuế phòng vệ thương mại.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật, tổng hợp ý kiến cho thấy, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể cách tính và căn cứ các loại thuế phòng vệ thương mại quy định tại Chương III của Dự thảo luật. Có ý kiến cho rằng, việc giao thẩm quyền cho Bộ Công thương quy định thuế chống bán phá giá là chưa phù hợp, vì vậy cần quy định khung để áp dụng.

Về các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: thuế phòng vệ thương mại là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Các biện pháp này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do Bộ Công Thương tiến hành khi có dấu hiệu về thiệt hại đối với thị trường trong nước do hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài. Số tiền thuế thu được không nộp vào ngân sách nhà nước mà nộp vào tài khoản riêng do Bộ Công thương quản lý, chỉ được nộp vào ngân sách nhà nước khi có quyết định chính thức kết quả điều tra hoạt động phá giá và trợ cấp của doanh nghiệp nước ngoài. Trường hợp qua điều tra mà không có dấu hiệu vi phạm thì số tiền thuế tạm thu phải trả lại cho doanh nghiệp. Việc quyết định mức thuế suất sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc không quy định cụ thể về mức hoặc khung thuế suất là phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời là lợi thế và tạo thuận lợi, chủ động cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như Dự thảo luật.

Đỗ Văn Vẻ
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ

Không nên áp thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

Góp ý cho Dự thảo luật tại Hội trường, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Quốc hội cân nhắc không áp thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ.

“Xét về bản chất thì hàng hoá này được sản xuất và tiêu dùng ngay tại Việt Nam, được quản lý, giám sát chặt chẽ theo các quy trình thủ tục hải quan tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan. Nếu áp thuế nhập khẩu thì vô hình chung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp của chúng ta trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài, đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam ngay tại sân nhà" - đại biểu Đỗ Văn Vẻ phân tích.

Về miễn thuế (Điều 16), đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị Quốc hội xem xét thực tế hiện nay để bổ sung quy định tạo thuận lợi và khuyến khích sản xuất trong nước đối với 2 trường hợp, thứ nhất là hàng hóa nhập khẩu làm hàng mẫu thí điểm sản xuất của doanh nghiệp và quy định miễn thuế đối với “Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu,...”.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, cần quy định rõ trong khoản này việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng mẫu để nghiên cứu sản xuất, làm mẫu thí điểm sản xuất. “Nếu như chúng ta còn quan ngại rằng doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu làm mẫu thí điểm để né/tránh thuế thì trong Nghị định của Chính phủ sẽ quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn, cách thức giám sát,... để chống lợi dụng mà vẫn bảo vệ được số đông doanh nghiệp chân chính" - ông Vẻ phát biểu.

Về quy định miễn thuế đối với “Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu...”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ kiến nghị Quốc hội cho bổ sung thêm quy định việc miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu (bao gồm cả động cơ thủy, máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, vật tư chuyên dùng, thiết bị) dùng để đóng tàu biển xuất khẩu, tàu đánh bắt xa bờ và của cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Tự vệ có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng

Góp ý cho Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đặc biệt quan tâm và phân tích sâu về quy định về áp dụng thuế tự vệ cho các mặt hàng trong nước.

Về việc áp dụng tự vệ cho các mặt hàng sản xuất trong nước để bảo vệ sản xuất cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng. Đây là một biện pháp không phải riêng đối với Việt Nam và các nước cũng áp dụng.

“Tôi nghĩ đây là một biện pháp rất tốt, nhưng trên thực tế, hiện tại Việt Nam đang có tình trạng nếu chúng ta đưa ra thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không cân nhắc một cách kỹ càng thì chúng ta làm thiệt hại đến người tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất trong nước cũng như cạnh tranh trong các doanh nghiệp khi chúng ta có nền kinh tế hội nhập sâu và rộng như hiện nay.” – đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Theo quan điểm của ông Bảo, khi đưa ra các hàng rào, các thuế phòng vệ phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm thị trường nhiều hơn, phải biết tận dụng tối đa của hội nhập trong kinh tế vĩ mô.

“Ví dụ thép, xăng dầu, khi trên thế giới đang giảm thì chúng ta phải tận dụng nguồn. Trong khi chúng ta sản xuất ra, giá của ta đang cao hơn thế giới thì ta không nên xây dựng hàng rào tự vệ để bảo vệ nguồn sản xuất trong nước dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt hại. Ví dụ, gần đây nhất thuế tự vệ áp dụng cho khối thép là 23%, và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu. Từ ngày 23/3 bắt đầu có hiệu lực. Trước đó 1 tuần thị trường thép đã lên tới 2.000, có chỗ lên tới 3.000 và có hiện tượng găm hàng để chờ tăng giá, dẫn đến một điều là người tiêu dùng thiệt hại, giá thành trong xây dựng tăng lên, giá trị vật liệu cũng tăng. Như vậy, phải tính đến thiệt hại của nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ thép trên thế giới hiện nay đang thấp hơn Việt Nam khoảng 10 đến 15%" - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo dẫn chứng.

phôi thép 3
Ảnh minh họa

Ông Bảo cũng phân tích thêm: “Công nghệ sản xuất thép của chúng ta, hàm lượng mỏ ra 1 tấn thép đang cao hơn thế giới. Công nghệ của chúng ta chưa đạt được cho nên khi một tấn thép sản xuất ra cao hơn thế giới khoảng 50 đô la. Vậy, đặt một bài toán có nên xây dựng cái hàng rào để bảo vệ nguồn sản xuất trong nước không?

Khẳng định quan điểm của là “không nên làm như vậy”, ông Nguyễn Ngọc Bảo phân tích: “Hiện nay thế giới đang chuyển dần từ nguồn tài nguyên tái tạo còn hơn đi khai thác cạn kiệt như hiện nay để tận dụng. Chúng ta đi bảo vệ một việc mà nếu mua ở nước ngoài còn rẻ hơn làm trong nước. Tôi thấy như thế có vấn đề, kể cả về xăng dầu, về sắt thép. Tôi cho rằng, khi chúng ta xây dựng những hàng rào và thuế phòng vệ thì chúng ta phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, tức là đến sản xuất trong nước, người tiêu dùng. Chúng ta phải cân đối lại các thành phần kinh tế và hướng tới mục đích cao nhất là người sử dụng thì chúng ta mới đạt hiệu quả trong vấn đề đưa ra về hàng rào thuế quan.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Tôi chỉ xin bổ sung một vấn đề cấp thiết hiện nay cũng như dư luận đang rất bức xúc. Có nhiều dư luận còn đặt câu hỏi, khi chúng ta áp dụng thuế này thì có vấn đề gì không? Đang rẻ tự nhiên thành đắt, thị trường đang ổn định thì biến động, vậy thì bài toán này có lẽ phải xin ý kiến Chính phủ quyết định để có tính vĩ mô hơn.”


Ý kiến bạn đọc