Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm vụ nhà 8B Lê Trực

21:09, 29/03/2016
|

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 02/11/2015 về vụ sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

8B Lê Trực
Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm vụ 8B Lê Trực

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, bảo đảm yêu cầu về quản lý đô thị, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của nhân dân khu vực lân cận.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351/TB-VPCP, ngày 02/11/2015, UBND Thành phố Hà Nội đã có báo cáo tình hình thực hiện việc xử lý sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực.

UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra làm rõ sai phạm; thành lập đoàn thanh tra; đã triển khai việc thanh tra theo đúng quy định: Ban hành các quyết định xử lý vi phạm, phạt tiền, buộc đình chỉ thi công, lập phương án và tổ chức tự phá dỡ phần vi phạm…

Ngày 21/11/2015, Chủ đầu tư bắt đầu phá dỡ phần sai phạm, việc phá dỡ chậm không đáp ứng yêu cầu. Ngày 5/1/2016, quận Ba Đình đã ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Ngày 6/3/2016, UBND phường Điện Biên đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm, đến ngày 9/3/2016 đang tổ chức phá dỡ tầng 19, dự kiến xong trước ngày 10/4/2016. Đồng thời đang chỉ đạo lập phương án phá dỡ phần còn lại, dự kiến hoàn thành trong quý II/2016.

UBND Thành phố Hà Nội cũng đã kiểm điểm đối với các tập thể liên quan, thống nhất về hình thức xử lý kỷ luật đối với 12 cán bộ, công chức, viên chức. UBND Thành phố sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cưỡng chế phá dỡ theo đúng quy định và chỉ đạo các đơn vị, cơ quan trong toàn Thành phố bảo đảm thực hiện việc quản lý đô thị theo đúng quy định.

Tuy nhiên, mới đây, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực bất ngờ xin được “phạt cho tồn tại".

Theo chủ đầu tư, sau một thời gian cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, phá dỡ phần sai phạm, thì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng an toàn chịu lực và tuổi thọ của công trình. Cụ thể, việc phá dỡ tầng 19 đã gây ra hiện tượng rung chấn rất mạnh đến kết cấu tầng 1 và cả các tầng hầm cũng như toàn bộ hệ thống tường xây gạch, trần, gạch đá ốp lát, hệ khung kính mặt ngoài của công trình đã thi công xong.

Chủ đầu tư cũng cho rằng, việc phá dỡ là nguy cơ mất an toàn cho khu cư dân liền kề, xung quanh công trình; nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường.

Bên cạnh đó, công ty này cũng viện lý do “việc phải phá dỡ phần công trình đã xây dựng hoàn thành gây ra lãng phí của cải vật chất cho xã hội, thiệt hại về mặt kinh tế trong khi đất nước vẫn đang cần nhiều cơ sở phục vụ cho sự phát triển của xã hội".

Với những lý do trên, Chủ đầu tư dự án là Công ty Lê Trực đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội xem xét, cho phép được thực hiện một trong 2 phương án.

Theo đó, phương án 1 là công ty Lê Trực được nhận hình thức xử phạt bằng tài chính như một số các công trình vi phạm trật tự xây dựng khác và cho phép tồn tại phần công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng.

Phương án 2 là dừng việc phá dỡ phần công trình vi phạm đang thực hiện để Nhà nước, thành phố dùng phần công trình xây dựng này vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt cho tồn tại sẽ là tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.


Ý kiến bạn đọc