Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 100 nghìn tỷ đồng

08:22, 23/03/2016
|

(VnMedia) - Giai đoạn 2011-2015, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến việc hạch toán, sử dụng kém hiệu quả và sai phạm trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công; đã hoàn thành kiểm toán tại 865 lượt đơn vị, đầu mối, kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng...

Báo cáo trước Quốc hội chiều 22/3, đánh giá về công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm soát nội bộ...

Qua đó, quy mô, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng lên, phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến việc hạch toán, sử dụng kém hiệu quả và sai phạm trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, được dư luận quan tâm, đồng tình và đánh giá cao. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, là căn cứ cơ bản cho các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2011-2015, KTNN đã hoàn thành kiểm toán tại 865 lượt đơn vị, đầu mối, kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.

Bên cạnh đó, KTNN được đánh giá là đã có đóng góp tích cực vào hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cử cán bộ tham gia đầy đủ khi có yêu cầu, cung cấp thông tin kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBTCNS cho rằng, công tác của KTNN nhiệm kỳ 2011-2015 vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế chính.

Theo đó, việc đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán chuyển biến chưa mạnh; một số trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với thực tế; việc khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khác chưa được triệt để.

UBTCNS cũng đánh giá, quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã đề ra. Kiểm toán hoạt động đã được tăng cường nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Theo đó, năm 2014 kiểm toán 14 bộ, ngành ở trung ương, 35 địa phương; Năm 2015 kiểm toán 18 bộ, ngành ở trung ương, 50 địa phương; Năm 2016 có kế hoạch kiểm toán 16 bộ, ngành ở trung ương, 48 địa phương.

Cùng với đó, thời gian tiến hành kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán mặc dù đúng quy định của Luật KTNN song việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, phân tích dữ liệu trước khi kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế nhất định, nên thời gian kiểm toán còn dài, chưa rút ngắn được thời hạn kiểm toán.

Cụ thể, hầu hết các báo cáo kiểm toán được phát hành sau thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, một số báo cáo phát hành quá thời hạn tối đa (60 ngày) như: kiểm toán NSĐP tỉnh Đồng Tháp năm 2014 kết thúc ngày 28/8/2015, phát hành báo cáo ngày 15/01/2016; kiểm toán NSĐP Tp.Hà Nội năm 2014 kết thúc ngày 30/8/2015, phát hành báo cáo ngày 11/01/2016; kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La kết thúc ngày 19/7/2015, phát hành báo cáo ngày 13/11/2015; kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang kết thúc ngày 18/6/2015, phát hành báo cáo ngày 20/01/2016...

Thời gian phát hành báo cáo kiểm toán của nhiều cuộc kiểm toán cũng được đánh giá là còn chậm, dẫn đến một số đơn vị được kiểm toán chưa khắc phục kịp thời những hạn chế phát hiện qua kiểm toán, hiệu quả phục vụ cho Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế. Theo đó, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính theo quyết toán NSNN năm 2010 là 69,1%, năm 2011 là 71,6%, năm 2012 là 65%, năm 2013 là 63,1%; sửa đổi, bổ sung thay thế 146/360 văn bản. 

Đặc biệt, UBTCNS đánh giá, chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN hàng năm chưa cao, một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của KTNN không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.

Ngoài ra, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ kiểm toán được UBTCNS khuyến cáo là cần tiếp tục được nâng lên, nhất là đối với một bộ phận chưa thật đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn để một số cán bộ vi phạm kỷ luật và pháp luật của nhà nước.


Ý kiến bạn đọc