Không khởi tố lái phụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh có đúng luật?

10:07, 31/03/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là loại tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Do đó, người giúp sức cho lái tàu đẩy sà lan có lỗi thì cũng không thể xử lý về hành vi đồng phạm giúp sức...

Như tin đã đưa, trưa ngày 20/3, tàu kéo sà lan chở cát chạy từ TP. HCM về Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một mố cầu, 2 nhịp sập xuống nước. Nhiều người chạy xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước. Nhiều lực lượng cứu hộ được triển khai để bảo vệ hiện trường, tìm kiếm người gặp nạn, trục vớt xe máy. Vụ tai nạn ngoài gây hư hỏng cầu, còn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt.

Hình ảnh cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập.
Hình ảnh cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập. Ảnh: Tuổi trẻ

Ngày 21/3, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt Phan Thế Thượng (63 tuổi, quê Sóc Trăng, là chủ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh). Trước đó, hai tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng bị bắt để điều tra hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, khi chạy sà lan đâm sập cầu.

Liên quan đến vụ việc, ngày 30/3, VKSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 đối tượng gồm Phan Thế Thượng về hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện khiến các phương tiện giao thông đường thủy và Trần Văn Giang (là lái đầu đẩy) về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Riêng đối với Nguyễn Văn Lẹ, do cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự nên đã hủy bỏ lệnh tạm giữ hình sự và sẽ tiến hành xử lý sau.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), cơ quan Cảnh sát điều tra Công An Tỉnh Đồng Nai khởi tố 2 đối tượng Trần Văn Giang và Phan Thế Thượng là có căn cứ và đúng pháp luật.

Quá trình điều tra đã làm rõ sự việc ngày 21/3/2016, Trần Văn Giang là người trực tiếp điều khiển phương tiện tàu đẩy sà lan đâm sập Cầu Ghềnh. Trần Văn Giang không có bằng lái tàu, không có kinh nghiệm nên khi đến chân cầu Ghềnh gặp dòng nước xoáy, không điều khiển được sà lan theo ý muốn để chui qua gầm cầu nên đã tông vào chân cầu phía mép bên trái của sà lan. Hậu quả gây sập nhịp 2 và nhịp 3 (trong đó, nhịp 3 chìm xuống sông).

Như vậy Trần Văn Giang đã phạm Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 212 Bộ luật hình sự.

Đối với Trần Văn Lẹ là người phụ giúp lái tàu nên không có căn cứ xử lý hình sự về hành vi đồng phạm với lái tàu Trần Văn Giang về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là loại tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Do đó, người giúp sức cho lái tàu đẩy sà lan có lỗi thì cũng không thể xử lý về hành vi đồng phạm giúp sức.

Về hành vi của chủ tàu Phan Thế Thượng, cơ quan điều tra đã làm rõ, Giang và Lẹ là hai người làm thuê, giúp việc cho Phan Thế Thượng trong công việc lái tàu đẩy sà lan. Phan Thế Thượng biết Giang và Lẹ không có giấy phép lái tàu (bằng lái) mà vẫn giao cho điều khiển phương tiện trên sông là hành vi rất nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc an toàn giao thông đường thủy được qui định tại Điều 8 Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004 Các hành bị cấm “Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp”

"Thiệt hại xảy ra trong vụ việc này là đặc biệt lớn về tài sản là do việc Phan Thế Thượng đã giao cho Giang và Lẹ không đủ điều kiện để lái tàu đẩy sà lan. Do đó, hành vi của Phan Thế Thượng đã phạm Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 215 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm cho biết.

Điều 212. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ 

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;

b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 215. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ 

1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 


Ý kiến bạn đọc