Đấu thầu thuốc: Mỗi nơi một giá nhưng "đều đúng luật"

14:11, 25/03/2016
|

(VnMedia) - Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên, hiện đang có tình trạng dù có đấu thầu nhưng mỗi nơi lại một giá khác nhau, viên thuốc có nơi 1 đồng có nơi lại 1,5 đồng dù tất cả đều làm đúng luật.

Nguyễn Văn Tiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên

Sáng 25/3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Dược. Bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, lý do phải đấu thầu tập trung để tránh tình trạng mỗi nơi một giá. Theo ông Tiên, Dự thảo luật cũng đang đề nghị Quốc hội có cơ chế là thấy giá cao bất thường, Chính phủ phải xem xét lại giá đấu thầu.

“Còn các giá thuốc bên ngoài đấu thầu thì đã được kê khai, chúng ta phải tôn trọng nguyên lý kinh tế thị trường vì nguyên tắc của Luật Dược là giản lý, giá thuốc do doanh nghiệp định và doanh nghiệp kê khai với các cơ quan nhà nước" - ông Tiên nói.

- Vậy hiện nay còn có lý do gì mà chưa thực hiện được đấu thầu giá thuốc, thưa ông?

Cái khó hiện nay là lần đầu tiên đấu thầu tập trung trên quy mô quốc gia, chúng ta chưa có kinh nghiệm. Các nước đấu thầu tập trung lâu rồi nên có kinh nghiệm, còn ở Việt Nam thì mới bắt đầu làm nên các bước triển khai phải rất thận trọng.

Vì đấu thầu tập trung theo nguyên lý là không phải người tổ chức đấu thầu tập trung đi mua mà giao cho các doanh nghiệp, các cơ sở bệnh viên mua, không phải mua một đống để rồi cấp phát cho các cơ sở bệnh viện. Hiện nay ngành Y tế đang tìm phương án tốt nhất để tổ chức đấu thầu tập trung hiệu quả,  giá hợp lý và đặc biệt là không thiếu thuốc. Hi vọng rằng trong năm nay, sẽ tổ chức đấu thầu tập trung được một số mặt hàng thuốc, khi thuận lợi rồi thì trong một vài năm tới sẽ nhân rộng hơn.

Thế giới đã chứng minh rồi phải đấu thầu tập trung thì mới hiệu quả. Cả nước ta hiện nay mới có 53/64 tỉnh là đấu thầu tập trung ở các Sở Y tế. Còn các nơi khác giao cho các bệnh viện tự đấu thầu. 60 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng tự đấu thầu. Mà thực ra, những người làm công tác đấu thầu y tế này người ta rất ngại, việc thì phải làm thôi, vì rất khó, phức tạp, dễ dính vào vòng lao lý, giống như ở Gia Lai đã đi tù tất cả bộ đấu thầu nên họ rất ngại tổ chức đấu thầu tập trun.  Có giá nhất định để họ đi mua là tốt nhất.

- Ông phát biểu rằng không được đầu hàng trước giá thuốc cao, phải chăng trước đây chúng ta đang mua thuốc với giá cao?

Không phải giá thuốc quá cao, mà là trong kết quả đấu thấu thuốc mà Việt Nam công bố có tình trạng giá thuốc khác nhau, giữa các hội đồng thầu, giữa các tỉnh khác nhau. Ví dụ cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng, chất lượng mà tỉnh này 1,5 đồng, tỉnh bên cạnh lại chỉ có 1 đồng. Nhưng khi kiểm tra thì tất cả đều làm đúng Luật đấu thầu. Chỉ trừ trường hợp phát hiện ra có gian lận gì đó thì công an mới vào cuộc, còn bình thường khi công bố kết qỉa tất cả đều đúng thủ tục rồi thì chúng ta chịu.

Tôi có trao đổi lại với bộ phận làm luật đấu thầu và hướng dẫn luật đấu thầu của Cục Đấu thầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư thì hiện nay không có quy định giá cả, nên mới đề nghị với Quốc hội trong Luật Dược này là khi phát hiện ra giá thuốc cao bất thường, chênh lệch giữa các khu vực thì Chính phủ phải vào cuộc để yêu cầu chỗ đấu thầu giá cao phải đàm phán lại cho giá hợp lý, chứ không thể để mất tiền của nhà nước do chính sách được.

- Vậy có giải pháp nào “rắn” hơn không, thưa ông?

Rắn là thế nào, người ta làm đúng luật thì rắn thế nào? Bây giờ ngay một số cơ sở, khi BHXH Việt Nam công bố mặt bằng đấu thầu giữa các tỉnh vào nói tỉnh này cao, tỉnh kia cao thì các Hội đồng phản ứng, tôi làm đúng luật đấu thầu, đúng pháp luật, thấy sai phải chỉ ra. Hiện nay vướng ở điểm này.

- Hiện nay quan điểm về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề Dược có 2 luồng ý kiến khác nhau, một là 5 năm, hai là trọn đời. Vậy ông ủng hộ quan điểm nào?

Thực ra để hội nhập với thế giới, quản lý tốt đội ngũ cán bộ chuyên môn liên quan đến sức khỏe con người thì phải cấp chứng chỉ 5 năm một lần. Nhưng cái khốn khổ hiện nay của Việt Nam là thủ tục hành chính phức tạp, nặng nề qua, chúng ta cải cách, cải cách mãi không được. Theo quan điểm của của tôi, trước mắt nên cấp 1 lần nhưng quy định, những đối tượng nào đi làm việc quốc tế thì phải cấp chứng chỉ 5 năm một lần. Chính phủ phải quy định thi đầu vào và 5 năm một lần phải cập nhật kiến thức. Các nước trên thế giới là khi cấp phải thi đầu vào, trong quá trình đó thì phải cập nhật kiến thức.

Ta hòa nhập ASEAN rồi, các bác sỹ muốn sang ASEAN làm việc thì chứng chỉ của ta người ta phải công nhận, chứ bây giờ chứng chỉ của ta, họ không công nhận. Họ bảo, vì cấp chứng chỉ cấp cả đời, không nước nào giống như ông. Thứ hai là không thi cử gì cả, cứ học đại học xong, thực hành là cấp nên không phù hợp. Nếu mà Quốc hội mạnh dạn thì nên quy định cấp 5 năm một lần, các lần gia hạn thì phải thông qua cơ chế mạng, không trực tiếp giữ cán bộ và người xin cấp để hạn chế thủ tục hành chính, tiêu cực thì phù hợp.

Như vậy, giải pháp đó được cả hai bên, chúng ta quản lý được chất lượng, thủ tục hành chính cũng giảm. Giờ chúng ta cứ vì các thủ tục hành chính mà bỏ các quy định chuyên môn thì rất không nên vì sẽ giảm chất lượng. Cải tiến về thủ tục hành chính, nhưng các quy định chuyên môn phải giữ thì mới nâng cao được chất lượng, chứ vì thủ tục hành chính mà chúng ta bỏ hết quản lý chuyên môn thì sẽ ra một đống nhân sự tạp nham thì chết dân.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.


Ý kiến bạn đọc