Đại biểu Quốc hội: "Có biểu hiện lợi ích cục bộ trong xây dựng luật"

20:11, 28/03/2016
|

(VnMedia) -  Khẳng định có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Quốc hội (QH) cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra...

Huỳnh Nghĩa
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa - ảnh: VTC

Sáng nay, 28/3, QH thảo luận tại Hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016). Các đại biểu đều thống nhất về việc ghi nhận nhiều kết quả tiến bộ trong hoạt động của Quốc hội.

Phát biểu tại Nghị trường, đa số các đại biểu cho biết đã rất tự hào vì đã được vinh dự cùng với gần 500 đại biểu QH khác bấm nút thông qua Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến văn “như một dấu son của nhiệm kỳ QH Khóa 13 khắc ghi vào lịch sử, bởi đó là bản Hiến văn bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Hiến văn đặt nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại, hội nhập” - đại biểu Trần Khắc Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà trong đó, vấn đề lập pháp được các đại biểu đặc biệt quan tâm cho ý kiến.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, QH là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa thực hiện hết quyền của pháp luật quy định, chưa cải tiến, phối hợp chưa chặt chẽ, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đạt hiệu quả chưa cao, chưa đến nơi đến chốn. Đặc biệt, công tác làm luật là chức năng cơ bản của QH nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá; chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh chưa khoa học, một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật. QH thông qua rồi nhưng dư luận không chấp nhận đã phải sửa lại, và vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm.

“Do đó, tôi đề nghị QH cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì?” – đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn đặt câu hỏi.

Thứ hai, về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với những người do QH bầu và phê chuẩn, đại biểu Huỳnh Nghĩa nhận xét, đây là cách làm mới để người giữ trọng trách không ngừng hoàn thiện mình, nhưng việc này nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng bởi vì quy định quá rối rắm.

“Việc quy định 3 mức là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ?” - đại biểu Huỳnh Nghĩa nói và đề nghị chỉ đưa ra 2 mức tín nhiệm.

Về việc tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết ông “hoàn toàn ủng hộ” bởi QH phải hướng đến chuyên nghiệp, cần có số đại biểu có trách nhiệm, tâm huyết, đức độ, tận tâm với công việc.

“Mặc dù hiện nay đất nước còn khó khăn nhưng nhà nước và nhân dân đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu QH hoạt động, nhưng vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, chưa làm tròn trách nhiệm của bản thân mình, vì còn có những hạn chế nhất định. Làm đại biểu QH nhưng hoạt động chưa năng nổ, thiếu nghiên cứu, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm… thì làm QH thế nào? làm sao xứng đáng là người đại biểu của nhân dân?” – ông Huỳnh Nghĩa day dứt đặt câu hỏi và đề nghị QH khóa mới nên nghiên cứu và chọn lựa đại biểu QH chuyên trách thật sự có năng lực, xứng tâm, xứng tầm với trọng trách được giao.

“Có như thế, QH khóa 14 mới thật sự đổi mới mạnh mẽ, tạo niềm tin với cử tri gửi gắm cho mình" - đại biểu Huỳnh Nghĩa nói và cho rằng, “QH nhiệm kỳ mới vẫn còn nặng nợ với cử tri, trong đó có vai trò của từng đại biểu Quốc hội". “Cần khắc phục tư tưởng “xuân thu nhị kỳ” đi họp QH nhưng không thể hiện chính kiến, gây lãng phí thời gian, công sức của nhân dân và cơ hội của người khác" - đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn nói.

Đánh giá cao tâm huyết của các đại biểu nói chung, của Ủy ban thường vụ QH và Chủ tịch QH nói riêng, nhưng đại biểu Trương Thị Huệ cũng phân tích một số tồn tại, trong đó có công tác xây dựng luật. Đại biểu Trương Thị Huệ phân tích: “Trong công tác xây dựng luật, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình kỳ nào cũng xảy ra; việc ban hành luật nhưng trong đó có những điều khoản chưa cụ thể dẫn đến luật phải chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư… tạo ra nhiều khoảng trống phát luật, dễ bị lợi dụng".

Trong khi đó, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng cho rằng, một số luật chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với dân trí của Việt Nam, trong đó có luật có hiệu lực đến 3 năm nhưng chưa thực hiện được, gây bức xúc cho cử tri…

Về hoạt động giám sát, đại biểu Khúc Thị Duyền cho rằng, dù đã có nhiều tiến bộ, đổi mới nhưng còn có những hạn chế như: tổ chức giám sát có cuộc còn kém hiệu quả, thành viên đoàn giám sát có người chưa đáp ứng yêu cầu của nội dung giám sát, thời gian giám sát ngắn, có những cuộc chỉ nghe báo cáo, ít giám sát trực tiếp; giám sát một số nội dung chưa có chuyên môn sâu…

Đại biểu Duyền kiến nghị QH chỉ nên chọn nội dung giám sát từ 1-2 nội dung/1 lần/1 địa phương; giám sát chi tiết chứ không chỉ nghe báo cáo, thành phần đoàn giám sát cần có các cán bộ chuyên sâu của các ngành, có các đồng chí lãnh đạo của QH tham gia một số đoàn giám sát để đưa ra kết có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì cho rằng, việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp luật chưa được khắc phục, việc chuẩn bị một số dự án luật chưa đảm bảo tiến độ, công tác ban hành, hướng dẫn chi tiết… còn yếu.

“Hạn chế này đã nêu ra nhiều nhưng khắc phục chậm. Trách nhiệm của những người tham gia soạn thảo và nhất là trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan tham gia soạn thảo trong việc chuẩn bị trình, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo chưa rõ. Một nguyên nhân chủ yếu nữa là chưa có biện pháp để xử lý kiên quyết trách nhiệm người đứng đầu" - đại biểu Tuyết nêu và kiến nghị cần có biện pháp xử lý những trường hợp không đạt tiến độ trình các dự án luật, đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo, khen chê rõ ràng, công khai.

“QH cũng cần dứt khoát nói không với những dự luật chưa bảo đảm chất lượng và có chế tai xử lý việc này thật nghiêm túc" - đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.

Về số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu Tuyết đề nghị cần tăng lên 40% vì đây là lực lượng nòng cốt của QH và cử tri đã đề nghị tăng lên đến 60%.

Đồng tình với việc QH thẳng thắn “nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước”, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đánh giá: “Nhiệm kỳ vừa qua đã “thành công trong việc cầm cự, đối phó với tình hình, vượt qua những thử thách, khó khăn khắc nghiệt, tìm lại được sự ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời với đảm bảo an sinh xã hội ở mức tối thiểu”, nhưng “chưa thành công trong việc tạo ra cơ chế, chính sách bứt phá, đột phá, đưa đất nước tiến nhanh để sớm bằng bạn bằng bè".

Theo đại biểu Trần Khắc Tâm, một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do thể chế quyết định. Hiến pháp là nền móng của thể chế. Chúng ta đã có một bản Hiến pháp tốt. QH cũng đã chứng tỏ nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế.

“Nhưng, thể chế tốt hay không thì không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách, pháp luật, mà còn chủ yếu phụ thuộc vào con người thực hiện. Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng, nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gần đây là các ví dụ điển hình" - đại biểu Trần Khắc Tâm nêu. Đại biểu Tâm cho rằng, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy.

“Một hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giảm được biên chế, thì sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền" - đại biểu Trần Khắc Tâm nói.

Ông đề nghị báo cáo tổng kết nhấn mạnh bài học về dân chủ. “Nếu “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” thì dân chủ là cái gốc để giải quyết mọi vấn đề. Có dân chủ mới có đồng thuận, có đồng thuận mới có đoàn kết, có đoàn kết mới có sức mạnh, có sức mạnh thì mới có thành công" - đại biểu Trần Khắc Tâm.


Ý kiến bạn đọc