Đại biểu kỳ vọng vào Tân Chủ tịch Quốc hội được bầu hôm nay

07:09, 31/03/2016
|

(VnMedia) - Hôm nay (31/3), Quốc hội sẽ chính thức bầu ra vị Chủ tịch Quốc hội mới, thay thế Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa được bãi nhiệm. Nhiều đại biểu đã chia sẻ những kỳ vọng của họ đối với vị Tân Chủ tịch sẽ được bầu này.

Nguyễn Thị Kim Ngân
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Hôm nay (31/3), Quốc hội sẽ chính thức bầu ra vị Chủ tịch Quốc hội mới, thay thế Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa được bãi nhiệm. Theo dự kiến, người được bầu vào chức danh Chủ tịch Quốc hội kỳ này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, hiện đang giữ chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 30/3, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, việc thay thế lãnh đạo dựa vào tiêu chuẩn, tiêu chí, phẩm chất năng lực của người được bầu xứng đáng với cương vị ấy. “Không quan trọng người đó là nam hay nữ” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển thì khoảng cách nam - nữ trong các chức danh cũng ngày càng thu hẹp. "Việt Nam nằm trong xu thế chung, ở cương vị ấy, vấn đề là năng lực, phẩm chất, tiêu chuẩn" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là người rất sắc sảo và có nhiều kinh nghiệm điều hành trong cương vị quản lý nhà nước, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn nhanh nhạy thông minh, điều hành cụ thể, các phiên họp hoặc chất vấn đều làm rất là tốt.

“Còn sắp tới đây, ta bầu người trẻ hơn và là người trải qua nhiều cương vị lãnh đạo nên tôi tin rằng họ sẽ tương xứng với đòi hỏi của đất nước. Nhiệm kỳ tới đây, cơ hội nhiều và chúng ta phải nắm bắt được để vượt qua thách thức. Người lãnh đạo tới đây, nhiệm vụ nặng nề hơn. Nhưng tôi tin Chủ tịch Quốc hội mới sẽ phát huy được ưu điểm của Chủ tịch cũ và năng lực riêng mình để đảm đương trọng trách được nhiệm vụ" - ông Nghĩa tin tưởng nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chia sẻ: “Tôi đánh giá cao lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam sẽ có nữ Chủ tịch, đó là chứng tỏ chủ trương đề cao vai trò người phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý đất nước. Tôi cho đây là chủ trương rất đúng và phù hợp với bình đẳng giới mà chúng ta cũng vừa mới thông qua. Tôi cũng thấy chủ trương tăng số đại biểu nữ lên 30% đại biểu Quốc hội cũng rất tốt và phù hợp với tiến trình chúng ta cũng hòa nhập với thế giới. Hy vọng ngày càng có nhiều những đại biểu Quốc hội hoặc vị lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước là phụ nữ".

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thì kỳ vọng: “Nữ Chủ tịch Quốc hội được giới thiệu, bầu vào chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XIII là một người đã trải qua nhiều cương vị công tác, từ chuyên ngành đến cơ sở, địa phương. Nhiệm kỳ vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng với Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội trong quá trình điều hành những hoạt động của Quốc hội đã thể hiện được bản lĩnh, năng lực và trình độ cao, rất phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng của Quốc hội".

Nói về nhiệm vụ của người đứng đầu Quốc hội khóa tới, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Quốc hội có những chức năng cơ bản mà chúng ta đều biết, đó là làm luật tuân thủ Hiến pháp. Trong quá trình làm luật sẽ giám sát chặt không để các luật được làm ra nhưng các cơ quan soạn thảo họ đưa ra những quyền lợi, thuận tiện của họ vào có độ chênh với Hiến pháp".

Nhiệm vụ thứ 2 của Quốc hội, theo ông Nghĩa, đó là đề ra Nghị quyết quan trọng cho đất nước, và Chính phủ là người thừa hành thực thi, tổ chức thực hiện. “Nghị quyết chính là khởi điểm của hoạt động hành pháp, tập trung trí tuệ, quan điểm, chính sách đúng đắn và đáp ứng được tình hình, do đó, Nghị quyết về những vấn đề của đất nước, đặc biệt là kinh tế - xã hội, cần có tính khả thi cao" - ông Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Điều quan trọng thứ 3 của Quốc hội, theo phân tích của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đó là giám sát cả hành pháp, tư pháp.

“Tới đây cần giám sát mạnh mẽ, chặt chẽ hơn. Việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là thách thức to lớn của nhiệm kỳ này so với các nhiệm khác. Quốc hội tới đây phải có khả năng ban hành quyết sách và có phản ứng kịp thời, mạnh mẽ, đối phó với tình hình xâm lấn" - ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, Quốc hội nhiệm kỳ rồi còn nợ cử tri "món nợ" như lập pháp, giám sát... có thể khắc phục được vì ngay trong nhiệm kỳ này, vì trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội đã đặt ra những bất cập trong việc xây dựng pháp luật, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

“Tất cả cái đó vừa là tổng kết nhiệm kỳ nhưng đồng thời cũng là thông điệp gửi lại cho nhiệm kỳ sau. Vị nữ Chủ tịch Quốc hội mới này, tôi tin chắc sẽ khắc phục được những bất cập của nhiệm kỳ khóa 13 và sẽ làm tốt hơn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14" - đại biểu Lê Như Tiến khẳng định.

Theo đại biểu Tiến, những bất cập chưa làm được của nhiệm kỳ QH khóa 13 thì những người kế nhiệm phải rút kinh nghiệm, vừa kế thừa phát huy những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, vừa khắc phục những điểm còn bất cập trong nhiệm kỳ tới để vươn lên. “Xu thế con người ta bao giờ cũng hướng đến của sự vươn lên. Tôi tin chắc sẽ tốt” - đại biểu Lê Như Tiến hy vọng.


Ý kiến bạn đọc