Vụ dùng chữ ký ma để cướp đất Hòa Bình: Chính quyền làm ngơ!

15:19, 26/02/2016
|

(VnMedia) - Sau khi bị cướp trắng gần 3ha đất nông nghiệp, người dân tiểu khu 1, Lương Sơn, Hòa Bình đã gửi đơn khiếu nại nhiều cấp. Song, chính quyền địa phương nơi đây vẫn tiếp tục tìm cách phớt lờ, né tránh trách nhiệm.

Gần 3ha đất nông nghiệp của người dân tiểu khu 1 Lương Sơn, Hòa Bình bị cướp trắng. Trong đó, các đối tượng sử dụng chiêu bài mua gom lại một phần diện tích, sau đó sử dụng chữ ký ma, làm hồ sơ giả để cướp hết phần diện tích đất nông nghiệp của hơn 20 hộ dân. Điều đáng nói, toàn bộ số đất nông nghiệp này sau khi được hợp thức hóa giấy tờ thành đất sạch đã được bán cho công ty gạch Tuynel Đại Hưng (Lương Sơn, Hòa Bình) để xây dựng nhà xưởng.

Người dân sau khi phát giác sự việc đã khẩn thiết gửi đơn khiếu nại nhiều cấp xong đã 3 năm nay, chính quyền vẫn án binh bất động.

Trước những bất thường về vụ chuyển nhượng 3ha đất nông nghiệp của người dân tiểu khu 1, Lương Sơn cho công ty gạch Tuynel Đại Hưng, PV đã tìm đến nhiều cơ quan có thẩm quyền tại huyện Lương Sơn để tìm câu trả lời.

Xác minh tại UBND huyện Lương Sơn, vị Phó Chánh văn phòng UBND Tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Phương Đông - người trước đây chính là Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Lương Sơn đã né tránh trả lời PV. Việc xác minh thông tin lại càng trở nên khó khăn hơn, khi vị Phó chánh văn phòng tiếp tục giới thiệu cho phóng viên xuống làm việc tại phòng thanh tra và trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lương Sơn, trong khi đây không phải là chức năng nhiệm vụ của đơn vị này.

Tại phòng thanh tra huyện Lương Sơn, bà Nguyễn Thị Hợp - Phó Chánh Thanh tra huyện Lương Sơn cho hay, bà có biết về vụ việc tranh chấp đất giữa các hộ dân tiểu khu 1 với công ty gạch Tuynel Đại Hưng. Song, Thanh tra huyện chưa nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai với công ty gạch Tuynel Đại Hưng.

Trước câu hỏi của PV về việc, Thanh tra huyện có biết hay không việc sử dụng chữ ký mà trong hồ sơ chuyển nhượng đất thì vị Phó chánh thanh tra không trả lời mà tiếp tục "đẩy" PV lên phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm phát triển quỹ đất để hỏi rõ!?

PV tiếp tục tìm gặp ông Nguyễn Chu Lăng - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất. Theo nhận định của ông Lăng, căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa người dân tiểu khu 1 và các bên liện quan phải được UBND huyện và các cấp có trách nhiệm thẩm tra, xác minh. Tuy nhiên, việc UBND các cấp không thẩm tra, xác minh rõ về điều kiện chuyển nhượng mà đã tiến hành xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng và tiến hành các thủ tục khác để cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Khắc Lưu (người đứng ra thu gom đất của các hộ dân tiểu khu 1) là vi phạm các quy định của pháp luật.

Để tiếp cận được với hồ sơ gốc của vụ việc mua bán đất cũng như hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty CP gạch Tuynel Đại Hưng, PV tiếp tục tìm gặp Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn. Song, câu trả lời từ cơ quan này là hồ sơ vụ việc phải thuộc về trung tâm phát triển quỹ đất. Phòng tài nguyên và môi trường chỉ chịu trách nhiệm xác định nguồn gốc đất, sau đó ra thông báo thu hồi đất, còn lại toàn bộ thuộc trung tâm quỹ đất phải thực hiện.

Như vậy, gần 3ha đất đã được UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho của Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng tới thời điểm này, dường như là vô hình.

Một câu hỏi được đặt ra, vậy hồ sơ chuyển nhượng đất giữa các hộ dân với doanh nghiệp, hiện nay đang nằm ở đâu, đơn vị nào quản lý, hay đằng sau đó phải chẳng có những uẩn khúc gì hay không? Thiết nghĩ, với cơ quan báo chí, chính quyền huyện  Lương Sơn còn chơi trò “mèo đuổi chuột” như vậy huống gì là dân thường.

Nỗi bức xúc, căng thẳng được nhân lên khi Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng được cấp phép và đi vào hoạt động năm 2010. Các hộ dân khu vực xung quanh cho rằng, khi san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy, Công ty đã lấn chiếm đất sông Bùi, ngăn dòng chảy làm ngập úng diện tích canh tác của các hộ dân. Việc xây dựng nhà máy đã chặn con đường dân sinh mà các hộ gia đình ở đây vẫn đang sử dụng. Khi nhà máy đi vào hoạt động đã gây tiếng ồn, khói, bụi... ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trước những vấn đề "lùm xùm" xung quanh việc chuyển nhượng đất giữa người dân với doanh nghiệp vẫn bị bỏ ngỏ. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không việc chính quyền đứng đằng sau việc san lấp mặt bằng dự án để tiến hành khai thác và bán đất trái phép cho CP gạch tuylen Đại Hưng?.

Chuyện lạ đời này đã và đang diễn ra tại tiểu khu 1, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Việc doanh nghiệp chỉ cần sử dụng chữ ký "ma" để được hợp thức hóa diện tích đất, cũng như những bộ hồ sơ đáng lý ra phải được lưu trữ theo quy định pháp luật thì các phòng, ban tìm mọi cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, còn những đơn thư phản ánh của nhân dân thì lại không được giải quyết. Những vụ việc này rõ ràng sẽ phải có cách giải quyết, và phải đem lại tính công bằng cho những người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này trong những bài viết sau.

Bài 3: Bắc Giang: Chính quyền hô biến đất nông nghiệp thành biệt thự


Ý kiến bạn đọc