Khi huấn luyện viên lên sàn chuyển nhượng

15:31, 24/02/2016
|

Ở lần thứ 3 quay lại đất Thủ, HLV Lê Thụy Hải đã tự định giá mình trên sàn giao dịch: Ngoài lương, thưởng, còn có phí ký hợp đồng, gọi nôm na là “lót tay”. Trước ông Hải “lơ”, không một HLV nội nào tự tin mặc cả với các ông chủ và có thể nói, chính vị tướng người Hà Đông đã mở ra một cuộc cách mạng trên cabin huấn luyện.

Ông Lê Thụy Hải (phải)
Ông Lê Thụy Hải (phải) yêu cầu phải có phí ký hợp đồng với HLV

Lý do được HLV Lê Thuỵ Hải đưa ra rất đơn giản, nếu cầu thủ có tiền chuyển nhượng, thì HLV cũng phải được nhận lót tay; cầu thủ lương 50 – 70 triệu đồng/tháng (chưa tính thưởng), thì thầy của họ, lương phải cao hơn (100 triệu đồng/tháng). HLV sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm với sự thành bại của đội bóng, chứ không phải cầu thủ, áp lực công việc vì thế cao hơn nhiều.

1. Tất nhiên, người trong cuộc (ở đây là các HLV), không xanh chín và phũ như ông Hải “lơ”, việc họ được các ông chủ đội bóng mời về hợp tác, quyền lợi không mặt này thì mặt khác, cũng phải đi kèm. HLV Phan Thanh Hùng từng được bầu Hiển tặng chiếc xe hạng sang, nhưng ông từ chối. HLV Vũ Quang Bảo gật đầu vào Tây Đô lần thứ 2, cũng bỏ túi non tỷ đồng, rồi Như Thuần về đất Mỏ…

Lịch sử 16 năm tuổi của V-League, hiếm khi chứng kiến nhiều sự biến động trên băng ghế huấn luyện như cuối mùa giải 2015 – đầu 2016. Các HLV trẻ bắt đầu được ý thức vai trò như Phạm Như Thuần (Than Quảng Ninh), Nguyễn Đức Thắng (CLB Hà Nội), Phạm Minh Đức (Hà Nội T&T), để cùng với những Trương Việt Hoàng (Hải Phòng), Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng),… tạo nên một làn gió mới cho V-League.

Nhưng việc HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chối FLC Thanh Hoá hay Phan Thanh Hùng bất ngờ từ nhiệm ở Hà Nội T&T sau 6 năm gắn bó khiến không ít người ngạc nhiên. Ngoài lý do bố vợ không muốn con rể dẫn dắt kỳ phùng địch thủ ở Khu 4 cũ, thì việc FLC Thanh Hoá chỉ đồng ý ký với Hữu Thắng hợp đồng 1 năm thay vì 3 năm theo nguyện vọng của anh khiến cuộc se duyên bất thành.

Hữu Thắng thuộc mẫu HLV yêu thích sự gây dựng chứ không phải thừa hưởng và dùng “đồ ăn nhanh”. Lượt về V-League 2009, Hữu Thắng ra sân Hàng Đẫy đóng thế Triệu Quang Hà và giúp Hà Nội T&T cán đích trong tốp 4, một kỳ tích vô tiền khoáng hậu với một đội bóng xếp đội sổ sau lượt đi, nhưng đấy cũng là do nể nang mà làm, không phải tính cách của cựu trung vệ đội trưởng SLNA.

Hữu Thắng lắc đầu với FLC Thanh Hoá, cũng là lùi một để tiến ba, với đích hướng tới là chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam, thời hậu Toshiya Miura. Một lựa chọn cực kỳ khôn ngoan, không hề mạo hiểm chút nào, vì sự thăng tiến trên cabin BHL dễ nhận thấy nhất là chuyển từ CLB lên ĐTQG. Dù thành công hay thất bại, thì đấy cũng là một trải nghiệm tuyệt vời, không chỉ để ghi vào sơ yếu lý lịch.

2. Trở lại sự kiện HLV Phan Thanh Hùng thoái lui khỏi cabin BHL Hà Nội T&T chỉ vài ngày trước khi V-League 2016 khởi tranh khiến nhiều người tiếc nuối. Nhưng những người gần gũi với vị tướng họ Phan hiểu rằng đó là sự giải thoát cần thiết vào lúc này. Từ khoảng 2 năm nay, HLV Phan Thanh Hùng phải chịu đựng nhiều hơn, thay vì cảm giác tận hưởng và tìm được niềm vui trong công việc.

Vấn đề ở sân Hàng Đẫy và ở cả đại bản doanh Mỹ Đình phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của số đông về một Hà Nội T&T đầy không khí gia đình và bình yên. Từ việc Công Vinh từng gõ cửa phòng HLV Hùng đề nghị thay đổi các phương án về chiến thuật năm nào, đến Ngọc Duy, Quốc Long,… cũng từng đôi lần đập bàn. Và mối quan hệ bằng mặt mà không bằng lòng với Chủ tịch Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội và các trợ lý.

Ông Hùng về cố hương và có thể bến đỗ kế tiếp sẽ là QNK Quảng Nam, một đội bóng khác của bầu Hiển. Đổi lại, HLV Hoàng Văn Phúc trở ra Hà Nội tiếp quản đội bóng cũ CLB Hà Nội hoặc Hà Nội T&T. Một sự hoán chuyển vai trò và việc HLV Phạm Minh Đức hay Nguyễn Đức Thắng được chỉ định tạm thời trong vai trò cơ trưởng, chỉ là giai đoạn quá độ. Dài gì hết lượt đi, ngắn chắc chỉ vài ba vòng đấu đầu tiên.


Ý kiến bạn đọc