Bộ trưởng Giao thông: Không nhổ được biển báo thì "nhổ" người

16:01, 19/01/2016
|

Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại cuộc họp tổng kết công tác Thanh tra Giao thông vận tải trong năm 2015 diễn ra sáng nay (19/1) khi ông thẳng thắn chất vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ về vấn đề biển báo bất hợp lý trên cả nước.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiếp tục yêu cầu Tổng cục Đường bộ tháo dỡ, ngăn tái diễn xuất hiện các biển hạn chế tốc độ dưới 40 km/h.

Bộ trưởng Thăng: Không nhổ được biển báo thì ‘nhổ’ người - ảnh 1
Bộ trưởng Thăng: Không nhổ được biển báo thì ‘nhổ’ người

Việc không nhổ hết biển báo hạn chế tốc độ dưới 40 km/h được Bộ trưởng GTVT nhắc lại sau phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng, công tác thanh của Tổng cục Đường bộ khó khăn về nhân lực và phương tiện.

Bộ trưởng GTVT đặt câu hỏi: Việc tháo dỡ các biển báo dưới 40 km/h là nhiệm vụ dễ thực hiện, không tốn kém tiền bạc vì sao tổng cục không thực hiện?

Có mặt tại hội nghị, Tổng cục trưởng Đường Bộ Nguyễn Văn Huyện lý giải: Ngoài một số ít biển báo cũ còn tồn tại, hiện tại, nhiều biển đơn vị thi công đường giao thông tự ý cắm biển hạn chế tốc độ nên rất khó kiểm soát.

Bộ trưởng GTVT khẳng định: Đối với các vị trí đường thi công, quy định của bộ GTVT đã đưa ra yêu cầu chỉ được cắm biển cảnh báo đi chậm; không được phép cắm biển hạn chế tốc độ.

Bộ trưởng GTVT cho rằng, vấn đề ở đây là công tác thanh kiểm tra chưa làm nghiêm, chưa thường xuyên và giao Tổng cục Đường bộ trong tháng 2 phải kiểm soát bằng được tình trạng biển báo dưới 80 km/h; nếu không sẽ xử lý cán bộ.

“Nếu biển báo không nhổ được thì nên 'nhổ' người. Nếu các anh cách chức, thuyên chuyển một ông Cục trưởng Đường bộ nào đó chắc chắn sẽ không còn loại biển báo này. Đây cũng là cách không hề tốn kém, dễ làm” - ông Thăng nói.

Thanh tra giao thông không phải là con “ngáo ộp” dọa doanh nghiệp, người dân

Tại hội nghị, đánh giá về hoạt động của Thanh tra GTVT trong năm qua, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, lực lượng thanh tra góp phần rất quan trọng trong ngành giao thông trong việc cải thiện hình ảnh của ngành. Với con số 485.000 cuộc thanh tra, lực lượng thanh tra đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, thanh tra toàn diện lĩnh vực từ quản lý Nhà nước, bảo vệ kết cấu hạ tầng… rất tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cho rằng, lực lượng thanh tra cần căn cứ vào đặc điểm của ngành giao thông để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đề xuất với Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế chính sách vì ngành giao thông là ngành đặc thù, tiêu tiền lớn nhất trong tất cả các lĩnh vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thất thoát, tiêu cực tham nhũng.

“Ta tổ chức gần 500.000 cuộc thanh tra thì phải đặt lại vấn đề là bao nhiêu doanh nghiệp phải mất thời gian để làm việc với thanh tra, không phải thanh tra nhiều là tốt, quan trọng là chất lượng của thanh tra”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Đề cập đến phản ánh của người dân về việc cấp phù hiệu xe tăng cường cho dịp Tết sắp tới,  Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, mỗi việc cấp phù hiệu xe tăng cường cho Tết mà người dân cũng phản ánh tức là đây là việc có thật, Sở GTVT Hà Nội và TPHCM đều bảo không có nhưng người dân đã phản ánh việc xe nhồi nhét khách. Vì vậy, đề nghị các đồng chí Giám đốc sở, thanh tra cần tiếp tục phối hợp để xây dựng chính sách dài hạn và phải phù hợp thực tế. Phải tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm tốt hơn, chấp hành tốt hơn. 

Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị, lực lượng thanh tra Bộ GTVT thực hiện tốt lời dạy của Bác, thanh tra là tai mắt của trên, là bạn bè của dưới. Vì vậy, muốn là tai mắt của trên thì mắt phải tinh, tai phải thính. Do đó,  phải nâng cao trình độ, bản lĩnh công tác, tiếp thu ý kiến của các cơ quan truyền thông.

Còn muốn là bạn của dưới thì phải gần gũi, tìm cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, muốn làm được điều đó thì thanh tra phải như cái gương để người dân soi. Phải nâng cao trình độ phẩm chất đạo đức bản lĩnh xử lý công tâm khách quan. Phải xử lý công bằng và đừng đặt “vấn đề” với người dân. Việc thanh tra không được gây khó khăn cho doanh nghiệp, không gây phiền hà cho nhân dân. Thanh tra giao thông không phải con “ngáo ộp” đi dọa dân, dọa doanh nghiệp.

Ông cũng cho rằng, lực lượng thanh tra phải lắng nghe, cầu thị ý kiến của người dân để hoàn thiện thể chế chính sách, hoàn thiện công tác thanh kiểm tra…


Ý kiến bạn đọc