Trưởng chi nhánh Trung tâm hỗ trợ người nghèo bấn loạn vì bị đòi tiền

19:38, 03/12/2015
|

(VnMedia) - Lo sợ bị mất trắng số tiền đã nộp, hàng nghìn nông dân nghèo là nạn nhân của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tại các tỉnh thành đang ráo riết bủa vây các chi nhánh văn phòng của Trung tâm này để đòi tiền.

Các trưởng chi nhánh thấp thỏm lo sợ vì bị dân đòi tiền
Các trưởng chi nhánh thấp thỏm lo sợ vì bị dân đòi tiền

Dân nghèo mắc bẫy lừa đảo

Mặc dù không được quyền huy động tiền và kết nạp thành viên nhưng Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do ông Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng đứng đầu đã ngấm ngầm huy động vốn bất hợp pháp của khoảng 40 nghìn nông dân nghèo tại 20 tỉnh thành trong cả nước.

Thủ đoạn của ông Trung và bà Hằng là mượn tay các cán bộ có vị trí tại các xã kêu gọi, lôi kéo nông dân hỗ trợ cho Trung tâm một khoản tiền. Sau đó, hứa hẹn sẽ cho lợi ích bằng gấp 5-7 lần số tiền gốc đã nộp. Để có thể nuốt không được số tiền trên, Trung tâm này đã lừa bà con ký vào đơn tình nguyện ủng hộ tiền cho trung tâm mà không có bất cứ một cam kết nào như đã hứa thể hiện trên văn bản này.

Sự lật lọng của Trung tâm này đã được khẳng định bằng tuyên bố của ông Trần Đức Trung trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam: "số tiền người dân nộp cho Trung tâm là do người dân tự cho Trung tâm. Việc Trung tâm muốn sử dụng số tiền của người dân như thế nào là  quyền của Trung tâm. Người dân không có quyền đòi lại số tiền đã nộp".

Trước tuyên bố xanh rờn của ông Trung, nhiều người dân nghèo mới ngã ngửa là mình đã bị mắc bẫy lừa đảo và kéo đến các văn phòng - chi nhánh của Trung tâm này tại các tỉnh để đòi tiền nhưng không được trả lại.

Nhiều nông dân nghèo tỉnh Thanh Hóa đang nơm nớp lo sợ bị mất trắng số tiền đã nộp cho Trung tâm hỗ trợ người nghèo
Nhiều nông dân nghèo tỉnh Thanh Hóa đang nơm nớp lo sợ bị mất trắng số tiền đã nộp cho Trung tâm hỗ trợ người nghèo

Anh N.V.V - Trưởng một văn phòng đại diện tại Thanh Hóa cho biết, "sau khi nghe báo chí đưa tin về hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo, chúng tôi đã ngừng mọi hoạt động để chờ đợi. Nhiều ngày nay, tôi đã liên tục gọi điện thoại cho bà Hằng và ông Trung để đòi lại số tiền gần 3 tỷ đồng đã huy động của hơn 2.000 nông dân nghèo nhưng vẫn chưa thể lấy được tiền. Trong số những người đã nộp tiền cho tôi có rất nhiều người là người thân, họ hàng, bạn bè, nên từ khi Trung tâm xảy ra chuyện, tôi rất lo lắng vì bây giờ tiền đã nộp cho Trung tâm, nếu bà con đòi thì tôi không biết lấy đâu ra tiền để tra. Mọi người tin tưởng uy tín của mình nhưng khi nghe ông Trung tuyên bố xanh rờn là đã nộp tiền cho Trung tâm thì không được trả lại. Người dân rất hoang mang, họ đến tìm tôi nhiều lần để bắt đền tiền rồi". 

Anh N.V.X (Bắc Giang) cho biết, "nhiều ngày nay, mặc dù không hoạt động nhưng tôi vẫn không dám đóng cửa văn phòng vì sợ người dân nghi bỏ trốn. Hàng ngày, tôi phải cắt cử người ứng trực để nếu có người đến đòi tiền thì còn có người giải thích cho họ. Cực nỗi, tiền thu của dân, tôi đều chuyển hết vào tài khoản của Trung tâm, không giữ lại đồng nào. Thế nhưng người dân chỉ biết là nộp tiền cho chúng tôi và giờ họ đòi tôi. Họ còn dọa nếu không trả họ tiền thì họ sẽ đến nhà siết nợ, lấy hết đồ đạc trong gia đình. Vợ con tôi bây giờ rất sợ hãi không biết bị ra đường lúc nào".

Trao đổi với phóng viên, một số người dân đã nộp tiền vào Trung tâm này khẳng định, họ sẽ tìm mọi cách để đòi lại vì những người thu tiền của họ đều là người địa phương nên không thể dễ dàng ăn quỵt tiền của họ được. 

Thu tiền bất hợp pháp

Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong vòng 6 tháng qua, ông Trung và bà Hằng đã mở hàng trăm điểm thu tiền tại 20 tỉnh thành, thu về số tiền hơn 100 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được các trưởng chi nhánh chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng của Trung tâm hỗ trợ người nghèo tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV, toàn bộ số tiền này đã được ông Trung và bà Hằng rút hết khỏi tài khoản ngân hàng và sử dụng vào mục đích gì thì không ai biết.

Làm việc với công an TP. Hà Nội, ông Trung và bà Hằng đã giải thích họ đã rút tiền để đầu tư vào một công ty sản xuất phân bón. Nhưng theo xác minh của công an thì không hề có việc này. Cơ quan CSĐT đã liên tục yêu cầu ông Trung và bà Hằng phải giải trình về số tiền đã thu nhưng hai người này vẫn quanh co không lý giải được. Thêm nữa, ông Trung cũng khẳng định, để có tiền trả cho các thành viên, Trung tâm sẽ tiếp tục phải thu tiền của người sau thì mới đủ để trả cho người trước. Song, nhiều tháng nay, công an các tỉnh đã liên tục tuyên truyền và cảnh báo với người dân về những hoạt động bất hợp pháp của Trung tâm này nên việc người dân đến nộp tiền cho Trung tâm gần như không có. Vậy, ông Trung và bà Hằng sẽ lấy tiền từ đâu để trả lại cho 40 nghìn nông dân nghèo? Việc này rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ.

Trong khi đó, mới đây theo khẳng định của cơ quan chủ quản của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới là Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn VN thì Trung tâm này không được phép thu tiền, cũng như lập các chi nhánh để lôi kéo các thành viên tham gia. Hoạt động của Trung tâm này trong 5 tháng qua đã không hề được báo cáo với Hiệp hội.

Còn theo xác minh từ phía Bộ Nội vụ, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới hoạt động nhưng không xin phép Bộ Nội vụ. Theo quy định, mẫu dấu của Trung tâm này phải được Bộ Nội vụ cấp nhưng ông Trung đã đăng ký mẫu dấu bất hợp pháp tại công an tỉnh Hà Nam. 

Ngày 24/11, ông Trần Đức Trung đã xin nghỉ làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới. Câu hỏi đặt ra, việc ông Trung xin nghỉ trong lúc này là có phải là để trốn tránh trách nhiệm trong hoạt động sai trái trên? Vì trên thực tế, ông Trung là người chỉ đạo mọi hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo tại các tỉnh, nhưng việc ký tá giấy tờ lại là do bà Lê Thị Hằng là người đảm nhiệm.

Được biết, hiện trụ sở chính của Trung tâm này tại tòa nhà 20 Thụy Khê, Tây Hồ Hà Nội đã đóng cửa và chuyển hết đồ đạc đi đâu không biết.


Ý kiến bạn đọc