Tổng Thanh tra Chính phủ lên tiếng việc Hà Nội và TPHCM "không có tham nhũng"

09:18, 14/12/2015
|

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2015, Thanh tra Hà Nội đã chuyển 7 vụ việc và Thanh tra TP.HCM đã chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan công an điều tra tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên những vụ việc đó có phải án tham nhũng không thì phải chờ tòa án xét xử.

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 13/12, trả lời băn khoăn, thắc mắc của người dân về báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội cho thấy năm nay, kiểm tra nội bộ “chưa phát hiện tròng hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng" và ở TPHCM 9 tháng đầu năm 2015 "chưa phát hiện hành vi tham nhũng", Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức chuyển 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ, còn Thanh tra TP.HCM đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

“Tuy nhiên đối với việc xác định tội danh tham nhũng, theo quy định pháp luật, chỉ khi nào tòa án phán quyết tội danh đó thì mới là tội danh tham nhũng. Nên đối với ngành thanh tra, chức năng thanh tra có dấu hiệu thì chuyển cơ quan điều tra làm rõ, để tiếp tục tiến hành chuyển cơ quan truy tố, cơ quan xét xử” - ông Tranh lý giải.

Trước câu hỏi về việc tham nhũng ngày càng tinh vi, núp bóng dưới những vỏ bọc được trang bị kỹ càng hơn như việc chuyển tiền, tài khoản ra nước ngoài thì công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng phải có thay đổi như thế nào, ông Huỳnh Phong Tranh thừa nhận trong những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì lợi ích nhóm hiện nay rất tinh vi, câu kết thành những nhóm người tạo ra lợi ích ngay từ xây dựng cơ chế, chính sách để vụ lợi cá nhân. Chính vì thế thời gian tới trong những giải pháp đồng bộ phòng chống tham nhũng phải có giải pháp thiết thực để ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý các hành vi tham nhũng lợi ích.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2015 toàn ngành đã tổ chức được 40.000 cuộc thanh tra, 830.000 cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành; qua đó phát hiện 212.000 tỷ đồng vi phạm, chuyển 313 vụ việc và 356 đối tượng sang cơ điều tra xử lý.

Về xử lý sau thanh tra, ông Tranh cho biết trong 5 năm, bình quân thanh tra xong xử lý, thu hồi tài sản về cho ngân sách nhà nước đạt 50%. Riêng năm 2014 tỷ lệ thu hồi tài sản về ngân sách đạt 69% và năm 2015 là 70%.

Quốc tế đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam (!?)

"Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đã tăng từ 25 lên 31 trên thang điểm 100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). Mức tăng này đã phản ánh đúng thực tế phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam hay chưa, thưa Tổng Thanh tra?".

Trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng đây là sự tiến bộ mà Tổ chức Minh bạch quốc tế đã đánh giá.

Yếu tố thứ nhất là hoàn thiện thể chế thì Việt Nam hoàn thiện thể chế rất sớm, từ Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, sau đó sửa đổi vào các năm 2007, 2012. Hiện nay đang tổng kết 10 năm việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để sửa đổi, bổ sung toàn diện. 

Việt Nam cũng đề ra Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, ban hành nhiều luật khác có liên quan để điều chỉnh hành vi và xử lý tham nhũng. 

"Có thể nói rằng việc hoàn thiện thể chế ở Việt Nam đã có bước tiến rất dài"- ông Tranh nói.

Theo ông Tranh, Việt Nam được đánh giá là dân chủ và công khai minh bạch. Ví dụ như việc xây dựng Hiến pháp 2013 đã được lấy ý kiến toàn dân. Ngoài ra, các luật, nghị định, thông tư của các cơ quan Nhà nước đều được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. 

Chính phủ, các cơ quan Nhà nước đến chính quyền địa phương đều thường xuyên công khai minh bạch các hoạt động của mình trong các hoạt động kinh tế-xã hội, các kỳ họp Quốc hội cũng như tại các diễn đàn.

Tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá trách nhiệm giải trình của Việt Nam tốt so với một số nước, theo ông Tranh, rõ ràng là tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước các cấp đã chú trọng, thường xuyên giải trình những vấn đề mà người dân, báo chí và dư luận quan tâm. Ngoài ra, trách nhiệm giải trình cũng được thực hiện thường xuyên khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng đã trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội.


Ý kiến bạn đọc