Người Hà Nội sẽ được ăn thực phẩm có "tiêu chí đặc thù"?

12:58, 31/12/2015
|

(VnMedia) - Với thực trạng số lượng lớn hàng nông sản, thực phẩm cung cấp cho Hà Nội đến từ các tỉnh thông qua chợ đầu mối, khó kiểm soát chất lượng, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Quy định về tiêu chí đặc thù đối với sản phẩm nông sản đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Ngày 30/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn TP Hà Nội năm 2015.

Khó quản lý chất lượng ở các chợ đầu mối

Ông Nguyễn Bá Bằng, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho gần 10 triệu người, thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá các loại; 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi…Số thực phẩm còn lại do các tỉnh đưa về chủ yếu qua chợ đầu mối lớn như Yên Sở, Long Biên, Dịch Vọng…

Điều này cho thấy, mặc dù mức tiêu thụ thực phẩm của Hà Nội rất lớn nhưng nguồn cung chủ yếu lại phụ thuộc vào các địa phương lân cận. Chính sự thụ động này đã khiến việc quản lý chất lượng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng của chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, vẫn còn không ít khó khăn trong quản lý, đặc biệt là lượng rau củ, thịt cá đưa về Hà Nội.

Khó khăn lớn nhất là lượng thực phẩm này được thông qua các chợ đầu mối, hoạt động từ 3h-5h sáng nên rất khó để quản lý.

Trong khi ở chợ đầu mối, chất lượng hàng hóa được quản lý khá lỏng lẻo thì thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp cung cấp chính thức lại được cho là rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nêu ví dụ về khó khăn này, bàVũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chuỗi  siêu thị Fivimart) cho biết, theo quy định, mỗi khay thịt đã xẻ phải có đến 3 loại tem nhãn khiến tăng thêm chi phí bởi mỗi tem thú y dán lên 1 khay thịt, doanh nghiệp phải  bỏ ra chi phí là 500 đồng.

Ngoài ra, ở nhiều vùng sản xuất, nông dân vẫn chưa làm quen với việc sơ chế, bao gói, dán tem nhãn và xin cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nông sản thực phẩm trong khi đây lại là những quy định bắt buộc nếu sản phẩm muốn vào được hệ thống siêu thị.

chợ đầu mối
Thực phẩm được đưa về chợ đầu mối vào lúc nửa đêm nên rất khó kiểm soát chất lượng - ảnh minh họa

Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay, Bộ NN & PTNT đã tiến hành triển khai thí điểm thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội năm 2015 và sau 1 năm thực hiện, đã kiểm soát các nông sản thực phẩm qua chương trình kết nối tiêu thụ vào Hà Nội, trong đó đặc biệt là chuỗi rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các tỉnh.

“Đơn cử như chuỗi rau của tỉnh Sơn La tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Fivimart, Biggreen là 285 tấn/năm; thịt gà, thịt lợn, rau hữu cơ, trái cây Hòa Bình tiêu thụ tại chuỗi của hàng Biggreen là 5 tấn/năm…Trong năm 2015, đã có khoảng 5 triệu con gia súc, gia cầm từ các tỉnh được đưa và Hà Nội, phần lớn đã được kiểm dịch, kiểm soát thú y tại nơi xuất phát.” – ông Bằng cho biết.

Cùng với đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản Hà Nội đã kiểm tra đánh giá phân loại và cấp 106 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản rên địa bàn Hà Nội, có nguồn gốc từ các tỉnh, TP khác.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2016 Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm kết nối để người tiêu dùng mua được sản phẩm an toàn, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam.

Theo đó, Dự thảo Quy định về tiêu chí đặc thù đối với sản phẩm nông sản đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội sẽ phải nhanh chóng được hoàn thiện.


Ý kiến bạn đọc