Khánh Hòa quyết xây trụ sở: Tiền ở đâu?

10:31, 18/12/2015
|

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vẫn quyết định triển khai xây dựng trung tâm hành chính mới dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng triển khai đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính tập trung từ giữa tháng 11/2015.
 

Địa phương phân vân xây và không xây

Theo giải thích của địa phương, công trình được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) không xin tiền ngân sách trung ương, nên không ảnh hưởng.

Trước đó, trả lời VnExpress, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, ý tưởng xây trung tâm hành chính có từ 7 năm trước và đã chuẩn bị đủ nguồn vốn. Về ý kiến nói tại sao trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà chi tiền xây trụ sở, ông cho biết đây là ý tưởng có từ lâu. Khánh Hòa chọn thời điểm thực hiện đúng lúc Chính phủ cho phép thực hiện giai đoạn 3 tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùn chạy thẳng lên Lâm Đồng, tạo ra quỹ đất hai bên tuyến đường và dùng chính quỹ đất ấy để kêu gọi nhà đầu tư vào BT.

Bên cạnh Khánh Hòa, vẫn còn một số tỉnh cũng đang có kế hoạch xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh theo hình thức BT như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương.

Trao đổi với PV Đất Việt, ngày 17/12, ông Phạm Quang Dũng - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết: "Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đã có chủ trương dừng lại không xây dựng Trung tâm hành chính nữa, bởi đã là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì phải chấp hành".

Trong khi đó, ông Võ Hồng Dương - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết: "UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ra quyết định sẽ không tiến hành xây dựng trung tâm hành chính tỉnh".

Phối cảnh khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An
Phối cảnh khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An

Khác với Thái Bình, Nghệ An, ông Lê Quang Hiển - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Thanh Hóa vẫn đang tiến hành các bước chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh, còn đến lúc nào đầu tư thì vẫn chưa rõ, nhưng chắc chắn vẫn trong khuôn khổ pháp luật cho phép".

Theo ông Hiển, đúng quy định thì Thanh Hóa vẫn sẽ làm. Hiện nay mới chỉ là giai đoạn làm thủ tục, tức là vẫn có chủ trương triển khai, bởi vì, trụ sở các ban ngành của Thanh Hóa đã xuống cấp nhiều.

Ông Hiển nhấn mạnh: "Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng để rà soát, đối với các tỉnh đầu tư quá lớn hàng nghìn tỷ đồng, còn Thanh Hóa chỉ đầu tư 600 tỷ đồng, vốn đầu tư ít. Thậm chí, số tiền còn có thể thấp hơn vì đó là con số dự toán tổng tiền các hạng mục, nhưng nếu làm từng hạng mục còn rẻ hơn nhiều.

Hơn nữa, chúng tôi triển khai theo hình thức BT không dùng tiền ngân sách, nên không ảnh hưởng gì".

Đầu tư theo hình thức BT vẫn là tiền của dân

Trước thông tin các tỉnh đưa ra, ông Huỳnh Văn Tiếp - ĐBQH tỉnh Cần Thơ cho rằng, trụ sở hành chính cũng là tài sản công, nên đó cũng là tài sản của dân.

Ông Tiếp phân tích: "Chính phủ đã kêu tạm dừng triển khai xây dựng thì sẽ không tỉnh nào được tiếp tục thực hiện. Dù làm theo hình thức nào, kể cả BT thì vẫn là tài sản công.

Hơn nữa, vấn đề quan trọng là đánh giá hiệu quả của quản lý hành chính không phải là trụ sở nguy nga, hoành tráng mà là năng lực, cơ chế chính sách. Tôi cho rằng, cơ sở hiện tại các tỉnh đang sử dụng vẫn đảm bảo nhu cầu làm việc, chưa cần thiết phải xây dựng một trụ sở nguy nga, hàng nghìn tỷ đồng.

Cứ nhìn ra các nước xung quanh, họ chủ yếu đầu tư tiền cho trang thiết bị máy móc, còn trụ sở cũng bình thường, thiết nghĩ, cơ sở khang trang mà làm việc không chất lượng thì cũng không cần thiết".

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc lại cho rằng, hiện nay, ở rất nhiều tỉnh, trụ sở của các Sở, ban ngành gần như một khu riêng biệt, rất lãng phí. Hơn nữa, có những Sở diện tích rộng nhưng chỉ có vài người làm, kèm theo những khu thể thao, sân chơi bóng...

Cho nên, việc xây dựng một tòa nhà tập hợp tất cả các cơ quan là chủ trương hoàn toàn đúng, nhưng vấn đề ở đây là cách triển khai của nhiều tỉnh có vấn đề, vì trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương, có nhiều tỉnh xin hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng là điều khó chấp nhận, khi nợ công ngày càng tăng cao.

Đó cũng chính là lý do vì sao Thủ tướng phải chỉ đạo tạm dừng triển khai, vì xây trụ sở mà dùng ngân sách nhà nước là hoàn toàn không đúng với chủ trương. Đáng lẽ, trụ sở của tất cả các Sở, ban ngành hiện có phải được hóa giá, rồi lấy tiền đó để đầu tư xây dựng trụ sở mới, như vậy chắc chắn sẽ hiệu quả.

Ông Bảo nhấn mạnh: "Nguồn ngân sách nhà nước không phải bầu sữa không bao giờ cạn để chúng ta lãng phí".

"Hiện nay, dư luận hay đề cập đến tham nhũng, nhưng có mấy ai biết lãng phí còn đang cao hơn gấp nhiều lần. Một con số đáng giật mình, đó là một năm Bộ Tài chính phải bỏ ra khoảng 13000 tỷ đồng cho tiền xăng xe đi lại của các lãnh đạo. 

Câu chuyện xây Trung tâm hành chính cũng vậy, tôi cho rằng chủ trương xây dựng là đúng, nhưng cách làm thì chúng ta đang quá nhiều sai phạm. Phải kiên quyết không dùng tiền ngân sách, tỉnh nào làm được thì cho triển khai", ông Bảo nói.


Ý kiến bạn đọc