Học sinh chán học Sử: Bộ Giáo dục phải điều tiết

14:19, 03/12/2015
|

(VnMedia) - Hiện nay, số đông học sinh không muốn học Sử vì mục đích thực dụng. Điều này sẽ  dẫn đến những tai hại cho tương lai đất nước, do đó rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều tiết.

Vì sao học sinh chán học Sử?

TS. Tưởng Phi Ngọ, Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm TP.HCM cho rằng, những nguyên nhân khiến nhiều học sinh trong những năm gần đây không thích học môn Sử đã được nêu ra chủ yếu là do: chương trình, sách giáo khoa (SGK) với kiến thức nặng nề, nhiều số liệu khô khan, khó nhớ, thiếu hấp dẫn, ít tranh ảnh, phương pháp dạy học của giáo viên còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới…

Tuy nhiên, theo ông, những nguyên nhân kể trên có phần đúng nhưng chưa phải là tất cả, cũng không phải là những nguyên nhân quan trọng nhất, mà nguyên nhân quan trọng nhất là do mục đích mang tính thực dụng của học sinh.

Ngay từ khi bước vào trung học phổ thông (THPT), học sinh đã đồng thời chuẩn bị cho cuộc đua, cạnh tranh vào đại học. Trong cuộc đua này, nhiều em không muốn học Sử là do thực tế thí sinh muốn vào những ngành có nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, ra trường dễ xin việc làm, lương cao hơn, các em phải thi các khối A, B, D. Như vậy, so với các khối thi trên, khối C thiếu hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, trong khối này, môn Văn được nhiều em chú trọng để dự thi cả các ngành thuộc khối D, còn các môn Sử, Địa ít được quan tâm nhất.

Bên cạnh đó, do đa số học sinh hướng vào các khối A, B, D nên việc học Sử, Địa chỉ để dùng riêng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà không dùng cho thi tuyển sinh đại học (trong khi các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ dùng cho cả hai kỳ thi). Như thế học và thi môn Sử bị coi là “lãng phí sức lực và thời gian”, trở thành yếu tố “cản trở” trên đường đua vào đại học.

Chính vì vậy, nhiều môn ở phổ thông nói chung có độ khó vượt xa môn Sử như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, nhưng học sinh không kêu ca mà vẫn miệt mài học ngày đêm, kể cả bỏ ra không ít tiền (với sự khuyến khích của cha mẹ) để học thêm ở ngoài trường. Vì đó chính là những môn được chọn để thi đại học. Trong bối cảnh hai môn Ngoại ngữ và Tin học đã choán rất nhiều thời gian học thêm của các em (vì ngoài mục đích thi, còn phải sử dụng được ở mức độ nhất định để tăng khả năng cạnh tranh xin việc sau khi tốt nghiệp) thì môn Sử càng ít được quan tâm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Theo TS. Tưởng Phi Ngọ, một thực tế nữa là khoảng chục năm gần đây trở về trước không có tình trạng nhiều học sinh chán học môn Sử như những năm gần đây.  Là vì dưới thời bao cấp và nhiều năm sau đổi mới, đất nước ta còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều thành tựu kinh tế lớn, nên thực tế này chưa tác động nhiều đến lựa chọn khối thi đại học của thí sinh. Nhưng sau khi quan hệ đối ngoại rộng mở, dẫn đến thay đổi lớn: Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng lên, hàng loạt nhà máy, ngân hàng, công ty, trường học, bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp… ra đời, thu hút nhiều việc làm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh, khiến xã hội cần nguồn nhân lực được đào tạo từ các ngành tuyển sinh các khối thi A, B, D hơn nhiều lần so với khối C. Mức lương cũng chênh lệch rõ rệt. Thực tế này cho học sinh thấy, muốn có việc làm với mức lương cao, nên các em chọn thi các khối A, B, D, tránh khối C.

Cần Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tiết

Theo TS. Tưởng Phi Ngọ, thực tế hiện nay dạy học Lịch sử ở phổ thông đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách so với trước chủ yếu vì ba lẽ.

Thứ nhất là sự tuyên truyền những quan điểm phản động, xuyên tạc lịch sử nhằm bôi xấu, chống đối chế độ trong thực tế và qua mạng internet. Thứ hai, những tiêu cực của người lớn trong thực tế, qua các phương tiện thông tin và dư luận khiến học sinh ít nhiều giảm sút lòng tin.

Thứ ba khó khăn nhất là số đông học sinh không muốn học Sử vì mục đích thực dụng như trên đã nói. Học sinh không muốn học Sử chủ yếu để tập trung học những môn có lợi cho các em về tương lai kinh tế. Điều này sẽ  dẫn đến những tai hại cho tương lai đất nước. Do đó rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) phải điều tiết.

TS. Tưởng Phi Ngọ ví von, giống như đứa trẻ trong gia đình chỉ ăn thịt mà không ăn rau, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm khiến bố mẹ lo lắng, Bộ GD&ĐT nên ‘‘điều tiết’’ bằng cách xếp môn Sử vào vị trí môn bắt buộc. Cần thiết phải làm như thế vì nhà trường phổ thông Việt Nam luôn luôn chú trọng giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Môn Lịch sử có ưu thế trong việc này.

Những nhược điểm về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học của giáo viên sẽ được những người làm công tác chuyên môn khắc phục theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.


Ý kiến bạn đọc