Hà Nội sẽ có thêm hàng trăm vườn hoa, sân chơi mới

18:50, 12/12/2015
|

(VnMedia) - Sau rà soát tại 19/29 quận, huyện, thị xã, có 288 địa điểm với tổng số diện tích khoảng 369ha tại các xã và 5 địa điểm tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa vừa được đề xuất để đầu tư xây dựng mới vườn hoa, sân chơi…

Như VnMedia đã có hàng loạt bài viết về tình trạng thiếu nghiêm trọng vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội cũng như việc buông lỏng quản lý về vấn đề này, tại Kỳ họp HĐND tháng 6 vừa qua, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện việc rà soát thực trạng vườn hoa, sân chơi công cộng và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, tăng cường số lượng, chất lượng và tổ chức quản lý các công viên, vườn hoa sân chơi trên địa bàn Thành phố.

Sau thời gian thực hiện chỉ đạo của HĐND, Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa có báo cáo về kết quả rà soát đợt 1 đối với 19/29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn Thành phố.

Hàng loạt phường không có vườn hoa, sân chơi

Theo đó, có tới 266/385 phường, xã, thị trấn của 19 quận, huyện, thị xã thiếu số lượng điểm và diện tích vườn hoa, sân chơi. Đặc biệt, hàng loạt phường tại các khu vực quận Hoàn Kiếm không có 1m2 vườn hoa, sân chơi nào (Phúc tân, Trần Hưng Đạo, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Chương Dương Độ)…

Trong khi đó, nhiều phường thuộc quận Hà Đông cũng không có vườn hoa, sân chơi.

sân chơi
Nhiều phường tại Hà Nội không có sân chơi - ảnh: Tuệ Khanh

Kết quả rà soát 19/29 quận huyện cũng chỉ ra, quỹ đất cần bổ sung cho vườn hoa sân chơi vào khoảng trên 122ha, trong đó khu vực các quận thiếu khoảng trên 38ha và khu vực các huyện, thị xã thiếu khoảng trên 84ha.

Theo kết quả rà soát, không chỉ thiếu về số lượng mà trang thiết bị, thống kê cho thấy rất  ít điểm sân chơi, vườn hoa công cộng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị vui chơi cho trẻ em. Tại các xã hầu hết là chưa có hoặc chủ yếu là các thiết bị nội dung nghèo nàn như ghế dá, bập bênh, đu quay... với chủng loại và chất lượng không tốt.

Báo cáo cũng chỉ ra, một số công viên thuộc quản lý của Thành phố hiện có nhiều vi phạm nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm như công viên Tuổi trẻ, vẫn đang trong quá trình thực hiện dự án, có nhiều vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm vào mục đích kinh doanh, thương mại.

Trong khi đó, các điểm sân chơi trong khu dân cư do UBND phường, xã, thôn xóm quản lý, một số nơi do tổ dân phố, các tổ chức xã hội như Hội Phụ lão, Phụ nữ, Thanh niên... tự quản, việc quản lý có chỗ còn mang tính hình thức, chưa tập trung quan tâm nên vẫn để xảy ra tình trạng sử dụng sai mục đích, lấn chiếm không gian hoặc không được đầu tư thỏa đáng về trang thiết bị, an toàn sử dụng và vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, báo cáo tại Kỳ họp HĐND đầu tháng 12 vừa qua, UBND Thành phố cũng thừa nhận hiện trạng chưa có những khu vực ưu tiên hoặc dành riêng cho trẻ em sinh hoạt, vui chơi. Nhiều sân chơi, vườn hoa trong úa trình sử dụng đã chuyển đổi chức năng sử dụng hoặc không được quản lý tốt dẫn đến tình trạng lấn chiếm, thu nhỏ. Các khu vực bố trí sân chơi trẻ em còn tình trạng bị sử dụng sai mục đích thành bãi trông xe hay hàng quán lấn chiếm, ô nhiễm môi trường, rác thri. Tại các khu vực sân chơi cho trẻ em, hầu hết không có trang thiết bị hoặc nếu có thì đã hư hỏng, xuống cấp về chất lượng và nghèo nàn về chủng loại nội dung.

Về giải pháp khắc phục tình trạng này, UBND Thành phố cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố, một số tổ chức như nhóm các Kiến trúc sư trẻ Hà Nội hợp tác với trường ĐH Xây dựng, ĐH Phương Đông đã tình nguyện lắp đặt tạo thành sân chơi tại Nhà văn hóa khu dân cư phường Hạ Đình, Giáp Bát; đề xuất nâng cấp cải tạo các sân chơi tại 7 khu dân cư của phường. Tại khu phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý Khu phố cổ đã tổ chức các điểm vui chơi cho trẻ em ngay trên các tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần... đây là những sáng kiến, phương pháp và cách tổ chức sáng tạo, cần được khích lệ, cổ vũ và nhân rộng.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, sau khi rà soát, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp: theo báo cáo của 19 quận , huyện, thị xã (đợt 1) có 5 địa điểm (Hoàn Kiếm 2, Đống Đa 3) với tổng diện tích khoảng 36.792m2 được địa phương đề xuất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ưu tiên dùng làm sân chơi vườn hoa cấp phường và cấp tổ dân phố.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì Tổ công tác liên ngành Thành phố rà soát các điểm công nghiệp ô nhiễm cần di dời để giải quyết nhu cầu quỹ đất về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Danh mục này đã được cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp chung và xem xét giải quyết.

Trong khi đó, ngoài quỹ đất di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, có 298 địa điểm với tổng số diện tích khoảng 369ha đất xen kẹt tại các xã do UBND các huyện đề xuất xây dựng mới vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa, công trình thể thao, thư viện,... phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, phù hợp với chức năng hoạt động; sử dụng.

sân chơi
Hà Nội sẽ có thêm hàng trăm vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư để phục vụ người dân - ảnh: Tuệ Khanh

Địa phương và các Sở, ngành đồng loạt phải vào cuộc

Cùng với việc phát triển sân chơi mới thì quản lý vườn hoa, sân chơi hiện hữu là rất quan trọng. Theo đó, Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, nghiêm cấm việc lấn chiếm vườn hoa, sân chơi vào mục đích kinh doanh, thương mại; có phương án tôn tạo, nâng cấp các sân chơi, vườn hoa; tập trung cải tạo, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, bổ sung đầy đủ trang thiết bị vui chơi cho trẻ em, bao gồm cả việc trồng cây xanh, bố trí ghế đá, chỗ ngồi, điện chiếu sáng...; chủ động kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các dụng cụ, t hiết bị thể thao, văn hóa.

Trong danh mục địa phương còn thiếu về số lượng, quy mô sân chơi, vườn hoa, Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các điểm xen kẹt, các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời; báo cáo Sở Quy hoạch – Kiến trúc để xem xét sự phù hợp về quy hoạch, công năng sử dụng, tiếp tục đề xuất UBND Thành phố danh  mục bổ sung các điểm vườn hoa, sân chơi mới.

Thành phố Giao UBND các quận, huyện, thị xã có địa điểm đề xuất mới làm vườn hoa, sân chơi làm chủ đầu tư xây dựng các sân chơi, vườn hoa; có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư, phê duyệt tổng mặt bằng, dự án đầu tư xây dựng; chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các Sở, ngành liên quan để giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản khác để đầu tư xây dựng vườn hoa, sân chơi.

Sở Xây dựng có nhiệm vụ đề xuất danh mục các công viên, vườn hoa và sân chơi trẻ em phục vụ dân cư khu vực.

Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề xuất UBND Thành phố thu  hồi các khu đất xen kẹt, ven khu dân cư đối với khu vực nông thôn để ưu tiên xây dựng vườn hoa, sân chơi và các công trình hạ tầng xã hội khác theo danh mục, địa điểm do các quận, huyện, thị xã báo cáo.

UBND Thành phố cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành theo Quyết định của Chính phủ để tạo quỹ đất đầu tư xây dựng công trình công cộng nói chung, trong đó có các vườn hoa, sân chơi.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ việc thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các dự án sân chơi, vườn hoa; xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực, phương thức xã hội hóa đầu tư xây dựng các vườn hoa, sân chơi.

Sở Văn hóa và Thể thao rà soát, bổ sung các dự án sân chơi, vườn hoa vào danh  mục các công trình thiết chế văn hóa để kiểm soát và quản lý. 

Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát, bổ sung quỹ đất phù hợp quy hoạch làm sân chơi, vườn  hoa đợt 2, đồng thời phối hợp với các địa phương trong việc thẩm định, chấp thuận quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa mới. 


Ý kiến bạn đọc