10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp

17:00, 31/12/2015
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2015 của ngành Tư pháp.

1. Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, dấu ấn quan trọng, tạo động lực phấn đấu cho toàn Ngành đưa công tác tư pháp của cả nước lên tầm cao mới.

2. Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ” diễn ra từ ngày 02/9/2014 đến ngày 02/9/2015 đã được đồng bào, chiến sĩ cả nước, du học sinh, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng. Đây là một trong những cuộc thi tìm hiểu pháp luật có quy mô lớn nhất với gần 5 triệu bài dự thi, thu hút đông đảo các thành phần tham gia, từ thí sinh trẻ tuổi nhất là 8 tuổi đến thí sinh cao tuổi nhất là 100 tuổi, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một sự kiện sinh hoạt chính trị - pháp lý có sức lan tỏa rộng lớn, động viên, khích lệ đồng chí, đồng bào tích cực học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp.

3. Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi) - bước đột phá trong tư duy pháp lý về đổi mới, hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền của cá nhân, pháp nhân trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Với tỉ lệ tán thành là 86,84%, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi), dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự của Nhà nước ta.

4. Ngày 27/11/2015 Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII thông qua với tỷ lệ tán thành là 84,01%. Bộ luật có nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trước hết là đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật; đặc biệt là các quy định thể hiện tính nhân đạo cao như giảm hình phạt tù, giảm các tội phạm có hình phạt tử hình và giảm các trường hợp áp dụng phạt tử hình; thay thế việc truy cứu trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục người dưới 18 tuổi; bổ sung các quy định nhằm giúp người bị kết án thuận lợi hơn trong việc tái hòa nhập với xã hội như quy định về xóa án tích, tha tù trước thời hạn có điều kiện; quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường... Mặt khác, Bộ luật cũng đã có những quy định nhằm xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội như bổ sung nguyên tắc xử lý người giữ chức vụ có quyền hạn cao thì xử phạt càng nặng; mở rộng phạm vi xử lý đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ ra cả khu vực ngoài nhà nước...

5. Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) với những nội dung mới, quan trọng dựa trên nền tảng là các nguyên tắc hiến định về tổ chức quyền lực nhà nước, về tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật này được nhận định chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật được vận hành chính thức, phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp, góp phần chuyển hướng từ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật.

7. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) khẳng định và nâng cao vị thế của luật sư Việt Nam trong hoạt động tố tụng. Đây được coi là cơ hội chưa từng có, đồng thời cũng là những thách thức to lớn đối với giới luật sư Việt Nam trong việc tiếp tục khẳng định hình ảnh và thương hiệu của mình trong lòng Nhân dân, phấn đấu góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cải cách tư pháp vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

8. Tổ chức thí điểm thành công chế định Thừa phát lại, được Quốc hội cho phép chính thức thực hiện, cùng với sự ra đời của đội ngũ Quản tài viên - các nghề tư pháp mới đã hình thành, dự báo sẽ góp phần quan trọng cho công tác xã hội hóa các nghề tư pháp, làm sáng tỏ và đầy đủ hơn ý nghĩa của những nỗ lực cải cách trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp của đất nước ta.

9. 5 năm chuyển biến cơ bản, bền vững công tác thi hành án dân sự

Năm 2015 và trong cả nhiệm kỳ 2011-2015 công tác thi hành án dân sự, hành chính của cả nước đã có sự chuyển biến, tiến bộ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác. Những kết quả, đóng góp của các cơ quan thi hành án dân sự trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015 đã góp phần quan trọng, tích cực vào việc đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và từng địa phương, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

10. Giải pháp “Kiềng ba chân” và việc thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến tạo tiền đề để giải quyết cơ bản tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân.

Theo đó, với việc thử nghiệm giải pháp “Kiềng ba chân” và triển khai Đề án thí điểm cấp Phiếu này, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam dù đang ở bất cứ địa phương nào, quốc gia nào, ngoài phương thức nộp hồ sơ và nhận Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu (Sở Tư pháp hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) như hiện nay, đều có thể lựa chọn một trong hai phương thức cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký cấp Phiếu trực tuyến với thủ tục đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và bảo đảm nhận Phiếu trong thời hạn Luật định.


Ý kiến bạn đọc