Xây Trung tâm nghìn tỷ: Cải cách hành chính chỉ là "cái cớ"?

06:59, 16/11/2015
|

(VnMedia) - Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, cải cách hành chính liên quan đến đầu tư công chỉ là cái cớ. Trên thực tế, nhiều địa phương có nền cải cách hành chính rất hiệu quả mà không nhất thiết phải có trung tâm hành chính tập trung.

Thời gian qua, trong khi nhiều dự án được đầu cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả thì các dự án trăm tỷ, nghìn tỷ đồng khác vẫn đang tiếp tục được đề xuất, kể cả với những địa phương năm nào cũng xin trợ cấp của Trung ương, thậm chí xin trợ cấp cứu đói.

Điều đáng nói hơn, những sự việc này đang diễn ra khi mà thông tin về tình hình bội chi, nợ công tăng đến mức phải lo vay nước ngoài để đảo nợ dồn dập được đưa ra, khiến dư luận không khỏi lo ngại cho một nền kinh tế èo uột, mong manh.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, tại kỳ họp lần này, một trong những sự việc thu hút sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội là thảo luận về ngân sách, trong đó, vấn đề nợ công, chi tiêu công được các đại biểu quan tâm nhất.

“Đặc biệt, trong khi Quốc hội đang thảo luận rất gay gắt, trong đó có việc đề nghị tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức mà vẫn chưa tìm được nguồn thì lại xuất hiện những đề xuất về những công trình rất lớn, các trung tâm hành chính công hoành tráng… Điều này khiến các đại biểu phản ứng khá mạnh mẽ" - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.

Ông chia sẻ, có một số đại biểu khi được các cơ quan báo chí hỏi đã trả lời. Bên cạnh đó có rất nhiều đại biểu dù không trả lời nhưng khi trao đổi với nhau, họ cũng rất phản ứng với việc trong lúc vấn đề nợ công của Quốc gia đang hết sức đau đầu, Quốc hội cũng như Chính phủ đang tìm giải pháp để nợ công không tăng quá kịch trần thì các dự án lớn vẫn “cố được đưa ra” thực hiện trong thực tế. “Đây là vấn đề cần được bàn luận rất nhiều” - ông nói.

Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn lại từ nay đến cuối năm rất ít, việc xét duyệt những dự án đầu tư trên cơ sở nguồn vốn ngân sách còn ít ỏi như vậy cần hết sức cân nhắc.

Trung tâm hành chính nghìn tỷ
Lai Châu có Trung tâm hành chính được cho là đẹp nhất nước, nhưng hiện đang đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

“Xoay xở” vốn không chỉ là việc của địa phương

Ông cho biết, Luật Đầu tư công mới được ban hành có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định khá chặt chẽ, cụ thể các quy trình, thủ tục. Đối với các dự án đầu tư công có sử dụng nguồn vốn ngân sách thì ngoài việc xác định rõ nguồn vốn còn phải phù hợp với kế hoạch và khả năng cân đối với trung và dài hạn.

“Tôi không biết khâu xét duyệt như thế nào, được tiến hành ra làm sao, chứ nếu thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công thì các dự án đến lúc phê duyệt đầu tư là không hề dễ dàng một chút nào” - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.

Còn nhớ, khi dư luận phản ứng về chuyện các dự án trăm tỷ, nghìn tỷ đồng, có ý kiến cho rằng các địa phương sẽ phải “tự cân đối được vốn”. Thực tế, một số địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch xây trụ sở mới bằng cách bán đi các trụ sở cũ. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có địa phương nào làm được việc này.

Đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, việc “xoay xở” vốn để xây dựng các trung tâm hành chính không phải chỉ là vấn đề của tỉnh, của địa phương mà là vấn đề Quốc gia liên quan đến quản lý và đất đai.

“Thực tế, khi chúng ta bán công trình nọ công trình kia để xây dựng công trình lớn cũng chỉ là giải quyết tạm thời, bởi còn phải phù hợp với quy hoạch của địa phương đó. Tôi không đồng tình với việc bán và đây không phải là cách đầu tư. Đây là việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng” - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.

Theo ông Nguyễn Sĩ Cương, “cải cách hành chính liên quan đến đầu tư công chỉ là cái cớ. Trên thực tế, nhiều địa phương có nền cải cách hành chính rất hiệu quả mà không nhất thiết phải có trung tâm hành chính tập trung”. 


Ý kiến bạn đọc