Một doanh nghiệp "cầu cứu" Bộ trưởng Định La Thăng

19:48, 11/11/2015
|

Cho rằng lỗi vi phạm đáng ra chỉ bị nhắc nhở nhưng mức phạt Tổng cục Đường bộ đưa ra quá nặng khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, một doanh nghiệp vận tải tư nhân tại Hà Nội vừa có đơn khiếu nại gửi lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cầu cứu.

Trong đơn gửi đến người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT), bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Công ty CP Vận tải du lịch Hưng Long, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - khiếu nại kết luận thanh tra của Tổng cục Đường bộ là trái quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra của đoàn Thanh tra. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang muốn thu hồi phù hiệu 12 xe vận tải hợp đồng khiến doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

“Quyết định của Tổng cục Đường bộ về việc kiểm tra bắt đầu từ ngày 13/10, nhưng đoàn Thanh tra đã đến kiểm tra tại doanh nghiệp từ ngày 12/10. Lịch kiểm tra trong 5 ngày, tuy nhiên chỉ sau 2 ngày đoàn đã hoàn tất quá trình làm việc, trong đó ngày cuối cùng làm đến 23h15” - bà Hòa cho hay.

Bà Hòa cho rằng, doanh nghiệp đã bị o ép nên buộc phải chấp nhận ký vào biên bản làm việc, dẫn đến nội dung kết luận kiểm tra có những thiêt thòi cho công ty và đã gửi đơn khiếu nại tới Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trong văn bản trả lời về những khiếu nại của doanh nghiệp này, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - khẳng định: “Đoàn kiểm tra không có quyền áp đặt thời gian làm việc ngoài giờ nếu không được doanh nghiệp chấp thuận. Thời gian làm việc đến đêm với tinh thẩn khẩn trương là để tiết kiệm thời gian cho cả doanh nghiệp lẫn đoàn kiểm tra”.

Tuy nhiên, người đứng đầu doanh nghiệp này tỏ ra không phục với trả lời trên, bởi kết luận kiểm tra do ông Quyền ký ban hành, và người ký văn bản trả lời khiếu nại cũng lại chính là ông Quyền. “Như thế tức ông Quyền là người vừa đá bóng, vừa thổi còi. Trong quá trình kiểm tra, đoàn Thanh tra thiếu dân chủ và không cho chúng tôi được báo cáo giải trình. Doanh nghiệp phải kiến nghị lên Bộ trưởng Đinh La Thăng để mong sự việc được giải quyết khách quan, công tâm” - bà Hòa trình bày.

Văn bản khiếu nại của công ty Hưng Long gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng, trước đó cũng gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Văn bản khiếu nại của công ty Hưng Long gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng, trước đó cũng gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Trước đó, tại nội dung kết luận kiểm tra, đoàn đã xác định doanh nghiệp này chỉ có một hợp đồng vận chuyển cho nhiều chuyến xe mà không ký hợp đồng với từng chuyến một là chưa đúng với quy định của Bộ GTVT.

Giải thích về việc này, bà Hòa lập luận: “Thông tư 63 quy định “đối với mỗi chuyến xe, doanh nghiệp chỉ được ký kết một hợp đồng” ý nói không được ký nhiều hơn chứ không bắt buộc “phải ký” một hợp đồng với mỗi chuyến. Trong khi đó, công ty đã ký với đối tác hợp đồng trọng gói đến hết năm 2015 nên mỗi chuyến xe chỉ cần gửi thông báo và lập phiếu thanh toán, lệnh điều xe là được”.

“Chỉ khi doanh nghiệp bị nhắc nhở mà tái phạm hay chây ì thì mới phạt nặng, trong khi đây chúng tôi mới vi phạm lần đầu mà bị yêu cầu thu hồi phù hiệu xe thì không khác gì đẩy doanh nghiệp vào phá sản” - bà Hòa phân trần.

Xử phạt không đúng nguyên tắc?

Dẫn chiếu điều 21 của Thông tư 10 của chính Bộ Giao thông Vận tải về nguyên tắc xử lý vi phạm, doanh nghiệp cho biết “khi bị phát hiện lần đầu thì bị nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục. Trường hợp không khắc phục hoặc vi phạm từ lần thứ 2 trở đi trong thời hạn một năm kể từ khi vi phạm lần đầu thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Thông tư này”.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là trước phản ứng của doanh nghiệp, Tổng cục Đường bộ lại nói rằng việc thu phù hiệu hay không thuộc thẩm quyền của Sở GTVT Hà Nội, còn đoàn kiểm tra chỉ ghi nhận tồn tại, vi phạm và đề xuất, kiến nghị xử lý theo quy định hiện hành.

Trong khi trước đó, tại kết luận kiểm tra, Tổng cục yêu cầu “Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có trách nhiệm thực hiện nghiêm kết luận và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục”.

Đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp vận tải “kêu oan” với kết luận thanh kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Vụ việc gần đây nhất là năm 2014, Công ty Thành Bưởi (một trong những doanh nghiệp vận tải lớn nhất phía Nam) sau khi không phục kết luận của đoàn Thanh tra Bộ GTVT về chấp hành pháp luật trong vận tải hành khách đã khiếu nại lên Bộ chủ quản và đã được “minh oan” nhiều nội dung trong kết luận trước đó.

Được biết, Hưng Long hiện là doanh nghiệp do Sở GTVT Hà Nội cấp phép kinh doanh vận tải xe khách theo hợp đồng và theo tuyến cố định với 12 xe giường nằm với tần suất 10 chuyến xe/ngày, đi các trung tâm du lịch miền Trung như Đồng Hới, Cửa Lò, Hà Tĩnh...

(Theo Dân trí)


Ý kiến bạn đọc