Luật Báo chí cần làm rõ: Báo chí được làm gì, không được làm gì?

20:45, 04/11/2015
|

(VnMedia) - Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Nội dung được quan tâm nhiều nhất tại dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là các quy định về tổ chức báo chí, cơ quan chủ quản báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Dự thảo Luật quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí gồm: Cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các đối tượng được thành lập Tạp chí khoa học gồm: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Quy định trên cho phép các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.

Về lãnh đạo cơ quan báo chí, điểm đáng chú ý là dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng giám đốc hoặc Giám đốc thay cho chức danh Tổng biên tập như Luật hiện hành. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí không được đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, tổng biên tập, phó tổng biên tập tại cơ quan báo chí khác.

Tờ trình nêu rõ, việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết, bởi một số lý do cụ thể như: việc sửa đổi Luật Báo chí hiện hành là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra, như các vấn đề: đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”.

Hiến pháp 2013 quy định nguyên tắc "các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" và khẳng định những quyền này "chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14).

Theo các quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do báo chí (thực chất là quyền tự do ngôn luận của người dân qua báo chí) là một quyền có giới hạn, và các hạn chế quyền này cần phải được quy định cụ thể ở luật trong trường hợp cần thiết theo quy định của Điều 14 - Hiến pháp 2013.

Vì vậy, Luật Báo chí (sửa đổi) cần xây dựng quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân trên cơ sở triển khai thi hành Điều 14, Điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Góp ý về dự thảo luật báo chí, đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, cần sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu này cũng dẫn ra con số hiện nay chỉ có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, số còn lại hoạt động dưới dạng bao cấp toàn bộ hoặc một phần, đây sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hà Minh Huệ (tỉnh Bình Thuận) băn khoăn với vấn đề tự do ngôn luận không chỉ cho các nhà báo, mà còn đối với cả các công dân.

"Cái khó là làm sao thực hiện được quyền tự do ngôn luận. Tự do một cách tuyệt đối thì xin là không thể có, ngay cả ở các nước tư bản. Ở các nước này nếu báo chí vi phạm bí mật quốc gia, nguy hại an ninh cũng bị cấm. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định báo chí được làm gì và không được làm gì", ông Huệ đề xuất.

Cũng theo ông Huệ, tới đây Hội Nhà báo cũng sẽ có quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp. Dự thảo Luật quy định Hội sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này, nên thời gian tới vai trò của Hội Nhà báo sẽ lớn hơn rất nhiều.

Linh Lê


Ý kiến bạn đọc