Hơn 2000 tỷ có giúp Hà Nội giảm tắc đường?

17:29, 30/11/2015
|

(VnMedia) - Trong tờ trình lên HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố dự kiến tổng vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 là 2.167 tỷ đồng. Nhưng tiền liệu có phải là giải pháp để giải quyết tình trạng tắc đường ở Hà Nội?

UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND đánh giá sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông  giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, Thành phố đã giảm 89 điểm ùn tắc xuống còn 51 điểm. Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng được giải quyết cơ bản.

Tuy nhiên, Thành phố dự báo, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và một số trục hướng tâm, đường vành đai, tai nạn giao thông ở mức cao.

Nói về nguyên nhân, ông Phó Chủ tịch UBND nhận định, đó là do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân (trung bình 10% năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện gây cản trở giao thông còn diễn ra phổ biến…

Và, tại tờ trình lên HĐND Thành phố, UBND Thành phố dự kiến tổng vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 2.167 tỷ đồng. Trong số đó, 700 triệu đồng được sử dụng cho việc lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố vào năm 2016.

nhà cao tầng
Với hơn 2000 tỷ, Hà Nội liệu có làm giảm tắc đường nếu cứ tiếp tục xây đặc nhà nhà cao tầng? - ảnh: Tuấn Nghĩa

Cứ xây nhà cao tầng, mở bao nhiêu đường cũng không đủ

Một điều đáng chú ý là tại Tờ trình, trong khi UBND Thành phố nhận định nguyên nhân tắc đường là do phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thì mới đây, Thành phố lại có điều chỉnh giảm tuyến xe buýt trong những giờ cao điểm để tránh tắc đường. Điều này càng cho thấy sự lúng túng trong việc giải quyết nạn tắc đường ở Thủ đô.

Dù đưa ra giải pháp là trong giai đoạn 2016-2020 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư trong khu vực nội đô, nhưng nhận xét về giai đoạn vừa qua thì Tờ trình không nhắc đến một nguyên nhân mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, đó là việc không khống chế được mật độ xây dựng, nhất là đối với các tòa nhà cao tầng trong nội đô, qua việc phổ biến tình trạng điều chỉnh cho phép tăng chiều cao, tăng mật độ sử dụng, chuyển đổi công năng từ văn phòng cho thuê thành nhà ở… cũng như việc các chậm di dời các trụ sở cơ quan nhà nước, các nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô…

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn về vấn đề này và chính Chủ tịch Quốc hội đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng rằng: Tại sao lại cứ xây nhà cao tầng giữa phố?, và vị Bộ trưởng đã không trả lời được câu hỏi này.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia về trách nhiệm của việc cấp phép xây dựng hay cho phép điều chỉnh quy hoạch dẫn đến những bất cập nói trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố cho biết, hiện nay, theo Luật Quy hoạch, quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc UBND Thành phố và đây là một bất cập. Điều này cũng có nghĩa, quy hoạch là một chuyện, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch một cách vô tội vạ có thể khiến quy hoạch bị phá vỡ.

Ông Nam cũng nhận định, hiện nay rất hiếm xảy ra sai phạm tại các công trình dân sinh, mà phổ biến là sai phạm tại các dự án khu đô thị, sai phạm của các chủ đầu tư.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết, hiện nay, UBND Thành phố đang kiến nghị Chính phủ về việc sau khi các Bộ, ngành di dời trụ sở ra khỏi Thành phố thì phải giao lại đất đó cho Thành phố để quản lý và ưu tiên xây dựng những công trình công cộng như vườn hoa, sân chơi… chứ không phải là xây những tòa nhà cao tầng.

Trước đó, nhận định về tình hình ùn tắc giao thông ở Việt Nam, rất nhiều chuyên gia nhận định: Nếu cứ tiếp tục xây nhà ở cao tầng trong nội đô, không di rời trụ sở cơ quan nhà nước ra bên ngoài; không dành đất sau di chuyển các nhà máy xí nghiệp cho các công trình công cộng như vườn hoa, sân chơi mà lại ưu tiên xây các khu đô thị mới thì Hà Nội có mở thêm bao nhiêu đường, làm thêm bao nhiêu cầu vượt cũng không đủ. Và như vậy, hơn 2000 tỷ, không phải là giải pháp để Hà Nội có thể làm giảm tắc đường.


Ý kiến bạn đọc