Hà Nội: Đóng tiền làm từ thiện được trả siêu lãi?

07:05, 05/11/2015
|

(VnMedia)"Nộp 1,2 triệu sau 1 năm nhận 5,2 triệu; nộp 3 triệu sẽ nhận được 7,5 triệu, nộp 7 triệu nhận 11 triệu.  Với cách thức này, người nông dân sẽ không phải lao động vất vả mà vẫn giàu" - đây là lời câu kéo của một Trung tâm khiến nhiều nông dân sập bẫy...

Tín dụng đen trá hình

Thời gian gần đây, báo điện tử VnMedia đã liên tục nhận được phản ánh của nhiều nông dân tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương…về việc họ được các nhân viên thuộc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn (PTNT) mới, có trụ sở chính P308 số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, lừa tiền.

Ông Lê Văn Đôn - xã Thiệu Long, Thiệu Hóa, Thanh Hóa bị nhân viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới lừa tiền
Ông Lê Văn Đôn - xã Thiệu Long, Thiệu Hóa, Thanh Hóa kể chuyện bị nhân viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới lừa tiền

Theo phản ánh của ông Lê Văn Đôn (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), tháng 7/2015, ông được ông Lê Văn Thế (người cùng xã Thiệu Long), là thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới vận động  tham gia đóng tiền cho quỹ “Trái tim Việt Nam” để được hưởng lãi suất cao. Cụ thể, nếu đóng 1,9 triệu đồng trong vòng 6 tháng sẽ nhận được 8 triệu đồng (bao gồm 1,9 triệu, tiền gốc  và 6,1 triệu tiền lãi).

“Do ham lợi nhuận, tin tưởng lời ông Thế, tôi đã nộp 1,9 triệu đồng. Tuy nhiên, đã hết 6 tháng nhưng ông Thế không trả tôi tiền” – ông Đôn nói.

Cũng theo ông Đôn, ban đầu khi vận động nông dân đóng tiền, ông Thế chỉ nói nộp tiền vào Trung tâm để được hưởng lãi suất cao. Thế nhưng, sau đó, ông Thế bảo ký vào một tờ giấy tự nguyện đóng tiền hỗ trợ Trái tim Việt Nam. Trong tờ giấy này, không có bất cứ điều khoản nào nói về khoản lãi mà ông Đôn sẽ được hưởng.

“Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vì vậy tôi không có tiền để ủng hộ tự nguyện 1,9 triệu đồng. Nếu biết trước là tham gia tự nguyện thì tôi đã không nộp” – ông Đôn nói.

Phiếu thu và đơn tình nguyện nộp tiền cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân nghèo trong PTNN mới
Phiếu thu và đơn tình nguyện nộp tiền cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân nghèo trong PTNN mới

Tương tự, gia đình ông Lê Thanh Hải (thôn Phú Lai, xã Thiệu Long) cũng mang 2,7 triệu đồng nộp cho ông Lê Văn Thế để hưởng lãi suất cao. Thế nhưng, 4 tháng nay, gia đình ông Hải không thể đòi được tiền gốc của ông Thế. “Lần nào lên đòi, ông Thế cũng khất không trả. Ông Thế giải thích đã nộp hết tiền cho Trung tâm  nên phải chờ Trung tâm thanh toán cho mới có tiền”.

Để đối chất, PV đã tìm đến nhà ông Lê Văn Thế. Theo xác nhận của ông Thế thì ông là thành viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong PTNN mới. Ông được Trung tâm này cấp thẻ, giấy giới thiệu và được tập huấn, hướng dẫn chương trình này. Toàn bộ số tiền thu được từ các hộ nông dân, ông Thế đã nộp cho chi nhánh của Trung tâm trên TP Thanh Hóa.

Điều đáng nói là khi nộp tiền, nhân viên Trung tâm chỉ ghi sổ, không xuất phiếu thu tiền. Hiện tại, do một số hộ dân đòi rút tiền về, ông Thế đã thu xếp trả lại tiền gốc, còn tiền lãi không thể trả được. Hiện giờ, ông Thế vẫn phải đang tiếp tục chờ lãnh đạo Trung tâm đi nghỉ mát về để lấy tiền trả tiếp cho người dân. 

Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong PTNN mới tại Thanh Hóa
Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong PTNN mới tại Thanh Hóa

Theo xác nhận của ông Nguyễn Ngọc Tình - chủ tịch UBND xã Thiệu Long và ông Nguyễn Văn Khoa - trưởng công an xã Thiệu Long, tại xã này hiện đang có 46 hộ nông dân nghèo đã nộp tiền cho ông Thế với tổng số tiền 194 triệu đồng. Trong đó, hộ nộp ít nhất là 1,2 triệu đồng, hộ nộp nhiều lên đến vài chục triệu.

Sau khi phát hiện hành vi huy động tiền trả lãi suất cao của ông Lê Văn Thế, UBND xã Thiệu Long đã làm văn bản báo cáo sự việc lên công an huyện Thiệu Hóa. Hiện công an huyện và công an Tỉnh đã vào cuộc xác minh làm rõ hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới.

Báo cáo UBND xã Thiệu Long về hành vi bất thường của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong PTNN mới
Báo cáo UBND xã Thiệu Long về hành vi bất thường của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong PTNN mới

Tuy nhiên, ngay sau khi, lãnh đạo xã Thiệu Long ra văn bản gửi cơ quan chức năng và thông báo trên các phương tiện thông tin của xã để cảnh báo người dân xã Thiệu Long không nên tham gia chương trình Trái tim Việt Nam, chính ông Nguyễn Ngọc Tình - chủ tịch xã lại bị lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong PTNN mới là ông Trung và bà Hằng làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.

"Tôi làm đúng nên tôi chả ngại gì việc bị tố cáo. Mục đích của tôi là cảnh báo cho người dân trong xã biết sự việc để không bị mắc lừa " - ông Tình nói.

Bất thường hoạt động Trung tâm hỗ trợ người nghèo

Theo tìm hiểu của PV, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam.

Trung tâm này đưa ra chương trình “Trái tim Việt Nam” với những mục tiêu rất nhân văn là để hỗ trợ cho những nông dân nghèo quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình. Chính vì vậy, khi nhận được thư mời tham gia chương trình, nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước đã có thư ủng hộ. Đồng thời, lãnh đạo Trung tâm này đã mời một Anh hùng Lao động làm đồng Chủ tịch danh dự của trung tâm.

Bản thân PV khi tìm đến trụ sở chính của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tại phòng 308 -309, số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã không khỏi choáng ngợp khi thấy trên tường treo rất nhiều bức ảnh lãnh đạo trung tâm chụp với các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thậm chí, những bức thư ủng hộ cũng được treo khắp phòng.

Tuy nhiên, hoạt động của chương trình “Trái tim Việt Nam” đã bị biến tướng như thế nào? 

Quay trở lại với việc huy động vốn trá hình tại Thiệu Hóa, Thanh Hóa, tại Hà Nội, nhiều người dân đang xôn xao câu chuyện những người tự xưng là thành viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đang tích cực thuyết phục mọi người tham gia chương trình vừa làm từ thiện vừa làm giàu… siêu tốc.

Theo đó, điều kiện để trở thành thành viên của chương trình là tham gia ít nhất một “định suất” trị giá 1.200.000 đồng, mức tham gia lớn nhất là 100 định suất. Khi giới thiệu được 1 người tham gia trung tâm sẽ trả hoa hồng 500 nghìn đồng/người.

Từ “định suất” thứ hai, thay vì phải nộp số tiền 1,2 triệu đồng, thành viên chỉ phải nộp 700.000 đồng nhưng vẫn được hưởng các quyền lợi như suất ban đầu.

Theo sự tư vấn thì sau 1 năm, nếu vận động được 100 “định suất”, người tham gia chỉ phải đóng gần 70 triệu đồng nhưng số tiền nhận được sẽ là 525 triệu đồng, gấp 400-700 lần lãi ngân hàng.

Tuy nhiên, sẽ không dễ nhận được khoảng lợi nhuận 400-700 lần bởi Trung tâm đã ra điều kiện việc trả tiền nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nguồn vốn của Trung tâm, mà nguồn vốn này lại là nguồn trông chờ ở các nhà tài trợ và những thành viên kế tiếp.

Cùng theo tìm hiểu của PV, Trung tâm này giải thích, số tiền 1,2 triệu đồng mà người dân góp sẽ được dùng như sau: 500 nghìn đồng được dùng hỗ trợ Thành viên; 200 ngàn dùng để mua quà tặng; 300 nghìn đồng cho vào quỹ tri ân; 50 nghìn đồng chi cho đầu chi nhánh các tỉnh; 150 nghìn đồng dùng in ấn tài liệu, duy trì hoạt động thuê văn phòng, website…

Được biết, mạng lưới của Trung tâm này đã vươn rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh... với số lượng hơn 1.000 nông dân tham gia và số tiền huy động được lên đến hàng trăm tỷ đồng. Số tiền đó được các chân rết của Trung tâm tại các tỉnh thành chuyển về một số tài khoản ngân hàng của Trung tâm tại Hà Nội. Số tiền này đang được sử dụng vào mục đích gì thì không ai biết. Chỉ biết một điều, rất nhiều nông dân nghèo đã chót dại nộp tiền nay đòi lại không được trả.

Để có được thông tin hai chiều từ phía lãnh đạo Trung tâm này, sáng 4/11, PV đã đến trụ sở công ty tại phòng 308-309 địa chỉ 20 Thụy Khuê, Tây Hồ để liên hệ đặt lịch làm việc. Song, nhóm PV đã bị nhân viên Trung tâm đưa ra những lời lẽ nặng nề khó nghe. Đồng thời, lãnh đạo Trung tâm “khống chế” không cho ra khỏi phòng làm việc. Do lo sợ bị xâm hại đến tính mạng, PV đã buộc phải gọi điện cho lãnh đạo công an quận Tây Hồ đến can thiệp, và nhóm PV đã được đưa đến trụ sở công an phường Thụy Khuê để làm biên bản tường trình sự việc.

Ngay sau đó, một lãnh đạo Trung tâm tên là Trung đã đến trụ sở công an phường Thụy Khuê, xuất trình thẻ nhà báo  và xưng danh Phó Tổng biên tập báo doanh nhân và thương hiệu. Ông Trung cũng lớn tiếng đề nghị sẽ tố cáo PV đến cơ quan chức năng. Kèm theo đó, ông Trung còn lấy 1 tập giấy tờ trong đó có rất nhiều đơn tố cáo các phóng viên của các cơ quan báo chí chỉ bởi các nhà báo đã đến trụ sở công ty để “làm phiền” doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến độc giả.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc