Giáo dục chủ quyền biển đảo trong sách: Vẫn con số 0 tròn trĩnh

10:51, 16/11/2015
|

(VnMedia) - GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang là con số không tròn trĩnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết, cách đây hơn chục năm, khi được tham gia viết sách giáo khoa, ông đã tha thiết đề nghị phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông, nhưng không được chấp nhận.

Theo GS. TS. Ngọc, chỉ duy nhất trong sách giáo khoa Lịch sử 10 (nâng cao) có một câu: “Kỹ thuật vẽ bản đồ cũng đạt được những thành tựu mới, trong đó đặc biệt là “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ vào cuối thời Minh Mạng đã thể hiện tương đối chính xác hình ảnh nước Đại Nam thống nhất, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển Đông”. Đấy dường như cũng là câu duy nhất nói đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong toàn bộ bộ sách giáo khoa lịch sử phổ thông, cả chương trình chung và chương trình nâng cao tính cho đến thời điểm này.

“Tôi còn nhớ những lần in đầu tiên, bên cạnh câu nói thoảng qua và gián tiếp trên, Nhà xuất bản Giáo dục còn cho in tấm bản đồ cùng những lời giải thích về địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa với hai cụm đảo. Nhưng chỉ mấy năm sau, tấm bản đồ và mấy câu giải thích kia cũng không cánh mà bay. Tôi thật sự thất vọng và không giải thích được vì sao vấn đề lịch sử chủ quyền gắn liền với vận mệnh của đất nước và tương lai của giống nòi, có tầm quan trọng đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ, mà nhân danh quyền lực gì người ta lại cố tình phớt lờ hay tìm mọi cách né tránh, dứt khoát không đưa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông?” - GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc phát biểu.

Lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ trong Bài 20 (Lịch sử 7): Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), trang 95, hình 44
Lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ trong Bài 20 (Lịch sử 7): Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), trang 95, hình 44

Ông cũng cho biết: “Vào tháng 8/2012, nhân Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam, tôi đã gửi một bản tham luận đau đáu khẩn cầu: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ Vương quốc Chămpa cho đến chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay. Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài nước, không chỉ là quyền lợi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta mà hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế. Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước, một cộng đồng dân cư sinh ra trên bờ biển, sống cùng biển, chết không rời biển lại không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai là người chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”".

Thế nhưng tôi cũng bị bỏ quên và không có cơ hội đến hội thảo trên để trình bày tham luận. May mà Thầy tôi, GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đồng chủ trì hội thảo đã đặt thẳng vấn đề dứt khoát phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử phổ thông. Tại hội thảo này, vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì hội thảo đã chính thức tiếp nhận kiến nghị của giới Sử học, và hứa sẽ bổ sung chỉnh sửa những vấn đề bất cập trong sách giáo khoa phổ thông.

Đến cuối năm 2013, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có đại diện của Bộ GD&ĐT tham dự, nhận thấy lời hứa đưa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông chưa được triển khai, GS. Phan Huy Lê lại chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ kết luận về công việc hệ trọng này. Tôi lại tin đến đấy chắc vấn đề sẽ được giải quyết triệt để.

Thế rồi đến ngày 3/11/2015, khi đến dự Hội thảo về Tích hợp giáo dục Lịch sử, giáo dục Quốc phòng - An ninh và giáo dục Đạo đức - công dân trong môn học Công dân với Tổ quốc, qua phát biểu của GS. Phan Huy Lê tôi mới vỡ ra từ bấy đến nay người ta lúc nào cũng hứa mà trong thực tế thì không làm gì cả.

Sau minh chứng tính tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học và dự báo sự thất bại hoàn toàn của môn giáo dục tích hợp Công dân với Tổ quốc, GS. Phan Huy Lê thẳng thắn chất vấn tại sao cho đến giờ phút này Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội thảo sau một hồi vòng vo đã đi đến khẳng định vấn đề giáo dục về biển đảo đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường phổ thông rồi và Bộ sẽ gửi báo cáo về nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo trả lời các đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố tại kỳ họp thư 8, Quốc hội khoa XIII, thay cho trả lời chính thức kiến nghị của GS. Phan Huy Lê từ trước đến nay.

Đọc kỹ công văn phúc đáp ý kiến của GS. Phan Huy Lê, với tư cách chuyên gia nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và là một trong những tác giả sách giáo khoa Lịch sử phổ thông, tôi vô cùng thất vọng về giải trình bao biện thiếu trung thực này. Từ năm 2012 cho đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ, chưa có thêm một dòng một chữ nào về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang còn là con số không tròn trĩnh”.

GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết thêm, thật ra theo giải trình trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang, Bình Dương, Tiền Giang, và TPHCM, thì trong sách giáo khoa Lịch sử 7 có đến 3 lược đồ, sách giáo khoa Lịch sử 9 có đến 2 lược đồ; các sách giáo khoa Lịch sử 10, 12 đều có 1 lược đồ nói về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng ông khẳng định rằng: “cả 7 bản đồ này đều được hoàn thành từ lần xuất bản đầu tiên, không phải là bổ sung mới và không có bất cứ một lực đồ nào trực tiếp trình bày chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông hay các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa".

Thùy Minh (ghi)


Ý kiến bạn đọc