Đại biểu Quốc hội: "Hết hồn" với quy định về bổn phận của trẻ em

07:42, 14/11/2015
|

(VnMedia) - Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phần quy định về bổn phận của trẻ em rất “tùm lum” và đọc thấy “hết hồn”…

Nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18: Vẫn còn băn khoăn

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cho biết, Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp liên quan tới trẻ em quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Còn ở nước ta, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đều xác định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể .

Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận quy định "trẻ em là người dưới 18 tuổi". Báo cáo thẩm tra, quá trình tổng hợp ý kiến cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với quy định này.

“Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.” - báo cáo Thẩm tra nêu rõ.

Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo Luật sáng 13/11, một số đại biểu vẫn còn băn khoăn với việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: “Trẻ em được nâng lên từ 16 đến dưới 18 tuổi liệu có khả thi hay không?.

Nêu ví dụ về các tập tục tảo hôn ở miền núi, đại biểu Phong Lan cho rằng, để thay đổi một tập tục không phải chỉ ngày một ngày hai, nếu xây dựng luật không có những lộ trình, những biện pháp để luật đi vào cuộc sống. “Xây luật để trang trí thì xây luật làm gì, đôi khi còn bị chế giễu?” - đại biểu đặt câu hỏi.

“Đối với phần chăm sóc y tế cũng vậy, chúng tôi nói đùa với nhau, sắp tới bệnh viện nhi phải thành lập khoa sản nếu nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Đặc biệt với hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm xong rồi mới lôi cái cớ là tôi chưa thành niên, như vụ án Lê Văn Luyện gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cái này có thể học tập ở các nước, họ quy định vị thành niên là dưới 18 tuổi, nhưng phạm tội trong giai đoạn tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi thì nhốt tù để chờ đến 18 tuổi rồi xử, vẫn đúng theo khung hình phạt đó, không có nương nhẹ gì cả.” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý.

Trong khi đó, đại biểu Võ Thị Dung thì đề nghị, cần có nhiều thông tin nghiên cứu khoa học toàn diện hơn nữa về phát triển tâm sinh lý, đối chiếu với các luật hiện hành để làm sao có cơ sở thuyết phục hơn khi quyết định nâng độ tuổi trẻ em lên.

trẻ em
Ảnh minh họa

Bổn phận quá nhiều, bảo vệ chưa tốt

Góp ý cho quy định về bổn phận của trẻ em, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thốt lên: “Nói về bổn phận của trẻ em, đọc thấy hết hồn. Ngày xưa Bác Hồ dạy “Trẻ em như búp trên cành; biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”, đằng này luật quy định tùm lum, bổn phận trong đó hơn Đoàn viên thanh niên, làm sao trẻ thực hiện được, hiểu và làm được? Quy định như vậy nó cao xa quá.”

Vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em cũng được các đai biểu đặc biệt quan tâm thảo luận.

“Ở các nước, sau mỗi năm họ cải tạo nòi giống, trẻ em tăng lên được bao nhiêu cm chiều cao. Trẻ em của ta ở thành phố thì béo phì, còn ở vùng quê thì rất còi cọc. Phải có chương trình nghiên cứu về dinh dưỡng để cải tạo nòi giống, tạo điều kiện vào đời cho các em một cách bình đẳng, chứ không phải em nào gia đình có điều kiện thì được nuôi dưỡng đầy đủ, còn em nào gia đình khó khăn thì thiệt thòi.” - đại biểu Phong Lan nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng một bộ phận lớn trẻ em bị suy dinh dưỡng ở nông thôn, vùng dân tộc nghèo, trong khi ở đô thị con nhà khá giả thì béo phì.

“Luật này ra thì có chính sách gì giải quyết quyết vấn đề này?” - đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Ông cũng lo lắng trước tình trạng bạo hành đối với trẻ em từ gia đình, học đường và ngoài xã hội, hay việc lạm dụng trẻ em trong lao động.  và đề nghị phải đối chiếu với Bộ luật hình sự, Luật xử phạt vi phạm hành chính…

“Phải xem xét từng hành vi một, ví dụ điều khoản cấm giáo dục không dùng roi đánh trẻ em, phải quy định rõ. Như ở bên Mỹ, đánh trẻ con, nó gọi điện một cái là cảnh sát đến xử lý ngay.” - đại biểu Trần Du Lịch nêu ví dụ.

Điều 38: Bổn phận của trẻ em với gia đình:

1. Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ; lễ phép với người lớn, thương yêu các thành viên trong gia đình.

2. Yêu lao động, giúp đỡ gia đình làm những việc vừa sức mình; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; giữ gìn vệ sinh cá nhân, rèn luyện thân thể.

3. Gìn giữ nề nếp gia đình; chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha, mẹ và các thành viên trong gia đình.

4. Có trách nhiệm đối với bản thân; sống trung thực, khiêm tốn.

Điều 39. Bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, cơ sở giáo dục và bạn bè

1. Tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục.

2. Thương yêu, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè.

3. Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục.

4. Thực hiện nội quy, điều lệ; giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở giáo dục.

Điều 40. Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội

1. Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình; thương yêu, giúp đỡ em nhỏ.

2. Tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người khác.

3. Thực hiện trật tự xã hội, an ninh công cộng, an toàn giao thông; giữ gìn của công.

4. Bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Điều 41. Bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước

1. Yêu  đất nước, quê hương, yêu đồng bào.

2. Góp phần xây dựng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

3. Chấp hành pháp luật.

4. Tôn trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. 

5. Đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế.

 


Ý kiến bạn đọc