Chủ tịch Quốc hội truy Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến cùng

10:01, 17/11/2015
|

(VnMedia) - Trước sự kề cà dài dòng không rõ ràng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc đúng – sai trong vấn đề phong chức danh “hàm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhiều lần ngắt lời, nhắc lại câu hỏi, gợi ý câu trả và “truy” đến cùng câu kết luận...

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình

Liên quan đến chức danh “Hàm” hiện đang được một số đơn vị ở Trung ương vận dụng, trong phiên chất vấn hôm qua (16/11), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ:  “Việc quy định chức danh Hàm Bộ trưởng,  Hàm Bộ phó có đúng luật không? Thời gian tới sẽ giải quyết thế nào? Địa phương họ bảo Chính phủ làm được thì địa phương cũng làm được, tức là sẽ có Hàm Trưởng phòng, Hàm Phó phòng để giải quyết chế đô cho anh em. Tôi có gửi câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời tới 4 trang nhưng tìm mãi tôi không thấy chỗ sai, như vậy chắc là đúng, nếu thế thì chắc là địa phương cũng làm được có đúng không?”

Trả lời câu hỏi này, sáng nay (17/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, không chỉ riêng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền mà trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã gửi tới Bộ trưởng câu hỏi chất vấn về vấn đề này. Ông cũng thừa nhận, mặc dù đã gửi câu trả lời tới các đại biểu, nhưng khi đó chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng nói khá dài về chuyện phong “Hàm” cũng như thực trạng, hướng xử lý, tuy nhiên, lời giải thích đều không rõ ràng, chưa làm rõ được câu hỏi của đại biểu rằng việc phong Hàm ở Trung ương là đúng hay sai và tới đây sẽ giải quyết như thế nào.

Trước sự kề cà dài dòng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải ngắt lời Bộ trưởng, đồng thời nhắc lại câu hỏi cũng như “gợi ý” câu trả lời giúp Bộ trưởng.

“Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng thế này, câu hỏi đơn giản thôi, Trung ương làm như thế có đúng không, và nếu đúng thì địa phương có được làm không? Đồng chí nói cách làm thì lâu lắm.” – Chủ tịch Quốc hội ngắt lời, đồng thời “gợi ý” : “Bây giờ Trung ương làm như thế là chưa có quy định của luật pháp, ở chỗ này chỗ kia có làm thế thì chúng tôi sẽ xem lại. Địa phương làm sao mà làm ngay được. Không đúng thì thôi, và không đúng thì không thể mở rộng cho làm được. Đồng chí chỉ cần trả lời chỗ ấy thôi”.

Sau gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình vẫn tiếp tục trình bày về quá trình nghiên cứu đề án..., tuy nhiên, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội lại ngắt lời: “Quá trình đồng chí nghiên cứu nhiều việc lắm, vô cùng nhiều việc. Đồng chí chỉ cần nói việc này bây giờ xử lý thế nào.”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại nói lấp lửng: “Tới giờ này, không có văn bản nào của nhà nước quy định cho phép, chúng tôi kết thúc đề án, xin ý kiến Thủ tướng về hai nhóm ý kiến, nhóm thứ nhất đề nghị có công nhận chức danh này, nêu rõ ưu điểm hạn chế; nhóm thứ hai không đồng ý, cũng nêu ưu điểm hạn chế. Ngày 8/10, chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng và sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện đề án để báo cáo Thủ tướng”

Sau câu giải thích này, Chủ tịch Quốc hội vẫn tiếp tục “truy vấn”: “Vậy bây giờ địa phương có được làm không?

Lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mới trả lời: “Hiện giờ chưa có quy định nào nên không có thể làm được.”

Chủ tịch Quốc hội vẫn chưa “tha”: “Vậy có phải ý đồng chí thế này không: Việc này trên thực tế là có, đang làm, nhưng làm như thế là không có quy định của pháp luật nào cả, là sai. Tuy nhiên, đây là một thực tế. Bộ trưởng Nội vụ đang được giao nghiên cứu, và trong khi nghiên cứu thì địa phương không được mở rộng, không được làm, đúng không?”

Sau câu hỏi, cũng gần như câu trả lời thay của Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu Bộ Nội vụ mới đưa ra câu “chốt”: “Cả trung ương và địa phương đều không được tiếp tục làm.”

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ngoài câu hỏi về chức danh “hàm” mà đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt ra thì còn có một loại “hàm” nữa là “hàm giáo sư”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, đây là vấn đề của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định về bổ nhiệm cán bộ không đề cập chức danh “hàm”, tuy nhiên nhiều cơ quan đã vận dụng cho hưởng “hàm” đối với cán bộ công chức, viên chức.

Vấn đề này không phải lần đầu tiên được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn. Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 11/2014), các đại biểu cũng đã đặt vấn đề này và khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan của Chính phủ thì hiện có 329 công chức, viên chức đang hưởng chế độ “hàm”, chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Số lượng hưởng chế độ “hàm Vụ trưởng” là 96 người; hưởng chế độ "hàm Phó vụ trưởng" là 150 người; Hưởng chế độ “hàm Trưởng phòng” là 76; Hưởng chế độ “hàm phó phòng” là 17.

Trao đổi bên lề Quốc hội vào giờ giải lao ngay sau phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thái Học đánh giá: “Các Bộ trưởng trả lời dài, khiến đại biểu và đặc biệt là chủ tich Quốc hội sốt ruột, phải nhiều lần cắt lời, nhắc nhở đi thẳng vào vấn đề. Theo tôi, phải làm sao để các Bộ trưởng trả lời ngắn lại, đi vào trọng tâm để đại biểu có thời gian trao đổi, đi đến cùng vấn đề, làm cho hoạt động chất vấn chuyên nghiệp hơn.


Ý kiến bạn đọc