Tuần tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam

07:55, 31/10/2015
|

(VnMedia) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 05 đến ngày 06 tháng 11 năm 2015.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

 

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung từ đầu năm đến nay tiếp tục duy trì xu thế cải thiện tích cực.

Về chính trị, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì thăm và tiếp xúc thường xuyên với hình thức linh hoạt. Trong đó nổi bật là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và Tết cổ truyền của hai nước hồi tháng 2; chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chuyến thăm dự hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít của nhân dân thế giới tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 9 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang....

Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cấp cao, Lãnh đạo hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững thời gian tới.

Quan hệ thương mại Việt - Trung tiếp tục tăng trưởng, nhưng thâm hụt thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng cao: Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2015 đạt 49,16 tỷ USD tăng 16%; trong đó Việt Nam xuất khẩu 12,44 tỷ USD tăng 11,6%, nhập 36,72 tỷ USD tăng 17,7%; nhập siêu 24,27 tỷ USD tăng 21,08% so với cùng kỳ. Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban hợp tác kinh tế Thương mại Việt - Trung (tại Bắc Kinh, 18-21/10). Việt Nam cũng đã khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam đầu tiên tại Trùng Khánh (5/2015).

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 9/2015, Trung Quốc có 1.177 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai bên đã tiến hành cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng (6/2015, tại Bắc Kinh); Phiên họp lần thứ nhất cấp Bộ trưởng Nhóm Công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng (tại Bắc Kinh, 12 - 16/10) và cuộc họp lần thứ nhất Nhóm công tác hợp tác về tài chính tiền tệ (7/2015, tại Hà Nội).

Về du lịch, trong 9 tháng đầu năm, có hơn 1,26 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, giảm 18,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hai bên đã tiến hành đàm phán vòng 7 Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và vòng 5 Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (10/2015, tại Hà Nội) để rà soát văn bản, chuẩn bị cho việc sớm ký chính thức hai Hiệp định này.

Về vấn đề Biển Đông, tuy không phát sinh những sự kiện đặc biệt nghiêm trọng như trong năm 2014, nhưng tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp do Trung Quốc đơn phương xây dựng, mở rộng đảo nhân tạo ở Trường Sa và đẩy mạnh hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Hai bên duy trì các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng Tư, hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc