Tìm biện pháp giải quyết "điểm nóng" QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình

10:01, 31/10/2015
|

(VnMedia) - Công tác thu phí chính thức đối với QL6 đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình được triển khai từ ngày 20/10/2015 đã gặp rất nhiều cản trở của người dân trong khu vực Thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình…

QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình
Trạm thu phí QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình - ảnh: Vietnamplus

Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp hơn 30km QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Hà Nội - Hòa Bình, ngày 20/10 vừa qua đoạn đường này bắt đầu thu phí theo hình thức dự án BOT.

Theo đó, mức phí mà nhà đầu tư - Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình đưa ra để thu phí phương tiện qua lại với giá thấp nhất là 25.000 đồng/lượt (dành cho các xe ô tô có trọng tải dưới 2 tấn, ô tô chở người dưới 45 chỗ) và giá cao nhất 180.000 đồng/lượt (dành cho xe container).

Cho rằng, mỗi lần đi qua lại trên QL6 chỉ vài trăm mét nhưng đều phải trả phí cả lượt là 30km, những ngày qua nhiều người dân sống tại thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) và các xã lân cận đã đưa phương tiện đến trạm phu phí đặt tại dốc Chum (thị trấn Lương Sơn) để phản ứng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, ngày 18/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122/2015/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km42+730 QL6.

Để thực hiện công tác thu phí từ ngày 20/10/2015 thì doanh nghiệp dự án (DNDA) đã triển khai thu phí thử từ ngày 28/9/2015 nhằm mục đích hoàn chỉnh hệ thống, rà soát các yếu tố có thể phát sinh trong quá trình thu phí.

Tuy nhiên, theo báo cáo của TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, công tác thu phí chính thức được triển khai từ ngày 20/10/2015 đã gặp rất nhiều cản trở của người dân trong khu vực Thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình khi liên tiếp trong những ngày đầu thu phí, một số người dân có xe ô tô vận tải, xe taxi, xe con thường xuyên cản trở việc thu phí, không mua vé, gây ách tắc giao thông qua cổng trạm mặc dù DNDA đã huy động toàn bộ nhân lực phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu Vụ Tài chính tham mưu để Bộ có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình, đề nghị tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích với người dân về chủ trương thu phí hoàn vốn của tuyến đường, đồng thời tỉnh cũng có sự thống kê các phương tiện có tần xuất qua trạm lớn để trước mắt nhà đầu tư có biện pháp hỗ trợ giảm phí nhằm tạo điều kiện cho người dân sống quanh trạm thu phí.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA 2 và công ty BOT có sự phối hợp với lực lượng công an để bảo đảm an toàn, an ninh tại khu vực trạm thu phí.

Cũng liên quan đến dự án này, Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, công tác GPMB đường Hòa Lạc - Hòa Bình đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình bị chậm so với kế hoạch, khó khăn và ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ GPMB là việc tái định cư cho 15 hộ thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình và 23 hộ thuộc thị trấn Kỳ Sơn. Hiện tại, UBND tỉnh Hòa Bình chưa có kế hoạch triển khai các dự án tái định cư nói trên.

Báo cáo của Công ty cũng cho biết, các gói thầu xây lắp phân tuyến QL6 đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 30/4/2015. Tuy nhiên hạng mục nhà điều hành của trạm thu phí vẫn chưa thể triển khai thi công do vướng mắc công tác GPMB của 02 hộ dân và quá trình khai thác vận hành, thu phí còn tồn tại, xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc.

Đối với tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, tiến độ thi công tại thời điểm hiện tại bị chậm khoảng 2 tháng, tuy nhiên từ giữa tháng 10/2015 thời tiết đã thuận lợi nên tiến độ thi công đã được đẩy lên cao để bù lại.

Về tiến độ thi công dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu phải quyết liệt đẩy nhanh tốc độ GPMB và giải quyết dứt điểm trong năm 2015. Đối với những điểm đã có mặt bằng, Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương thi công để hoàn thành trong quý 1/2016, nhất quyết hoàn thành toàn bộ dự án trong quý 2/2016.

Ngọc Quỳnh


Ý kiến bạn đọc