"Lờ" Luật, Vinaconex muốn ỉm 72 tỷ

08:30, 17/10/2015
|

(VnMedia) - Luật Nhà ở đã có quy định rõ, toàn bộ quỹ bảo trì phải bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Nếu Vinaconex không trả, UBND thành phố Hà Nội sẽ phải thực hiện việc cưỡng chế. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng.

Vừa qua, VnMedia đã có loạt bài phản ánh về việc Tổng công ty CP Vinaconex chây ì không trả 72 tỷ đồng tiền phí bảo trì cho Ban quản trị cụm nhà N05 (Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội).

Lý giải cho sự chậm trễ nói trên, ông Lê Doanh Yên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex đã phát văn bản gửi tới toàn thể cư dân N05, trong đó nói rằng Vinaconex chưa thể bàn giao 72 tỷ đồng tiền phí bảo trì cho Ban quản trị cụm N05 là do văn bản pháp luật chưa thống nhất.

Cụm chung cư N05 Vinaconex
Cụm chung cư N05 Vinaconex

Cụ thể, căn cứ quyết định 01/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội, đối với quỹ bảo trì, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Chủ đầu tư giữ tài khoản này cho đến khi ban quản trị được thành lập. Và chủ đầu tư sẽ bàn giao tài khoản này cho doanh nghiệp được ban quản trị lựa chọn vận hành nhà chung cư.

Trong khi đó, quyết định 08/2008 - Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị và Ban quản trị quản lý tài khoản này dưới hình thức đồng sở hữu (trưởng ban quản trị và một thành viên do ban quản trị cử ra).

Theo ông Yên, 70 tỷ là khoản tiền lớn trong khi chủ thể nhận bàn giao quỹ bảo trì này chưa được pháp luật quy định rõ ràng nên Vinaconex sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, Vinaconex sẽ bàn giao cho người dân.

Có thể thấy, văn bản trên được phát đi cho thấy sự yếu kém về mặt pháp luật của lãnh đạo Vinaconex. Việc ban hành văn bản này là do bộ phận Tư pháp của Tổng công ty CP Vinaconex đã tư vấn cho lãnh đạo hay do lãnh đạo Vinaconex không nắm được Luật pháp? Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, lý do thật sự là do Vinaconex không muốn "nhả" 72 tỷ đồng này.  

Bởi trên thực tế, Luật Nhà ở - một trong những văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, đã quy định rõ chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư. Điều 108-109 Luật Nhà ở cũng nêu rõ, nếu chủ đầu tư chây ì không trả thì UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện việc cưỡng chế đối với chủ đầu tư.

Do vậy, kể cả quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng và quyết định 01/2013 của UBND TP. Hà Nội có những điểm chồng chéo, chưa rõ thì phải tuân thủ theo Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Cục phó Cục quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản Bộ xây dựng cho biết, chủ đầu tư không thể nói vì quy định 08 trái với quyết định 01 của Hà Nội để không bàn giao quỹ bảo trì của người dân. Việc đóng phí bảo trì và bàn giao phí bảo trì phải tuân thủ theo Luật Nhà ở. Mà Luật đã quy định là phải bàn giao cho Ban quản trị.

Việc Vinaconex cố tình không hiểu Luật đã khiến cho Ban quản trị N05 liên tục phải phát văn bản đi đòi nợ. Thậm chí, cư dân N05 - Vinaconex rất bức xúc muốn chủ đầu tư phải công khai mọi khoản chi tiêu từ quỹ bảo trì này để người dân được biết. Điều đáng nói, trong khi Vinaconex khư khư tìm cách giữ quỹ bảo trì này thì tổ hợp chung cư N05 đang xuống cấp nghiêm trọng mà không có kinh phí để sửa chữa.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc