Hà Nội: Tiếp tục tháo dỡ rào chắn đường sắt đô thị gây ùn tắc

08:52, 26/10/2015
|

(VnMedia) - 2 rào chắn trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu -X uân Thủy - Cầu Giấy thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, “thủ phạm” gây ách tắc giao thông trên tuyến này thời gian qua đã được dỡ hôm 25/10.

rào chắn
Rào chắn là một trong những nguyên nhân gây tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội

Điểm rào chắn trên đường Hồ Tùng Mậu (đoạn gần cầu vượt Mai Dịch) dài 55 mét, từ trụ cầu P237 đến trụ cầu P239 đã được tháo dỡ trong ngày 25-10. Trong ngày 26-10, nhà thầu tiếp tục tháo dỡ hàng rào trên đường Xuân Thủy (đoạn trước cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền) dài 30 mét từ trụ cầu P280 đến trụ cầu P282. Cùng với đó, 2 điểm rào chắn từ trụ cầu P284 đến trụ cầu P285 và trụ cầu P344 đến trụ cầu P347 trên đường Cầu Giấy sẽ được thu hẹp lại.

Đây chính là những điểm được báo chí và người dân bức xúc phản ánh lập rào chắn nhưng thi công ì ạch, thậm chí không thi công.

Trước đó, trước bức xúc của dư luận về việc những rào chắn thi công các tuyến đường sắt trên cao và một số công trình giao thông ở Hà Nội gây ra tình trạng tắc đường nghiêm trọng, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/9, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân khẳng định, nếu không rào chắn thì không thể thi công công trình và ông “chưa bao giờ bảo là phải tháo dỡ rào chắn”.

Ông Tân cho biết, Hà Nội hiện có khoảng trên 120 điểm rào chắn thi công, trong đó có tuyến đường sắt trên cao và nhiều công trường góp phần làm cho giao thông Hà Nội phức tạp, gây khó khăn, bức xúc cho người dân.

"Tuy nhiên, không có con đường nào khác, nếu muốn phát triển thì phải chấp nhận, trước hết phải ưu tiên làm đường giao thông. Đó là một yêu tố tất yếu," - ông Tân khẳng định và nhấn mạnh thêm: "Người ta thi công thì phải rào chắn, không tạo điều kiện thì bao giờ họ hoàn thành được công trình? Chỉ khi nào người ta làm xong hoặc trong thời gian tạm dừng thì phải dỡ" - ông Tân nói.

Theo ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở luôn giám sát tiến độ thi công, nếu chưa thi công thì tạm thời thu rào chắn lại, khi nào thi công thì lại tạo điều kiện cho rào để thi công tiếp.

Tuy nhiên, trước đó, hôm 9/9, Đội CSGT số 7, Công an thành phố Hà Nội đã gửi văn bản tới Sở GTVT Hà Nội đề xuất xin rút giấy phép những công trường có rào chắn thi công chiều dài trên 400m. Đặc biệt là hàng rào công trường hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến do Tổng công Xây dựng công trình giao thông 4 - Cienco4 thi công. Nguyên nhân là bởi thời gian từ 7h – 8h30 sáng hàng ngày, những hàng rào thi công hầm chui nút giao thông Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến gây ùn tắc hàng giờ đồng hồ. Trong khi đó, thời gian này công trường không thi công khiến lực lượng điều tiết giao thông rất vất vả.

Đề nghị này sau đó đã được sở Giao thông Vận tải đáp ứng.

Cũng liên quan đến vấn đề giải quyết ách tắc giao thông ở Hà Nội, cách đây vài ngày, UBND Thành phố cho biết đã quyết định sẽ cắt giảm tới 50% lượng xe buýt hoạt động vào các giờ cao điểm.

Theo đó, trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông hiện đang có 9 tuyến buýt hoạt động đã điều chỉnh tần xuất của 3 chuyến và điều chỉnh 2 tuyến, cắt ngang không đi trục Nguyễn Trãi. Trên trục Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy hiện có 12 tuyến, đã điều chỉnh 5 tuyến cắt ngang không đi trục Xuân Thủy- Cầu Giấy, lưu thông vào tuyến đường Nguyễn Phong Sắc- Trần Thái Tông.

Những đoạn tuyến có nguy cơ ùn tắc cao sẽ chuyển một số chuyến xe buýt đi theo hướng khác. Trong giờ cao điểm giảm tần suất xe trên trục có nguy cơ ùn tắc như Nguyễn Trãi giảm 30 xe, như vậy lưu lượng xe giảm 57%. Tương tự, trên trục Xuân Thủy giảm 30 xe/giờ.

Ùn tắc nghiêm trọng trở lại, Chính phủ yêu cầu giải quyết gấp

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục truyền tải những bức xúc của dư luận về việc tái diễn tình trạng ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần do số lượng phương tiện cá nhân tiếp tục tăng nhanh, phần do các công trình giao thông đang xây dựng, được rào chắn chiếm diện tích đường giao thông. Việc rào chắn là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn cho người đi đường, nhưng chính tiến độ công trình quá chậm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân hai thành phố này.

Trước tình trạng đó, hôm 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện về khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, để kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai Thành phố rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng đang sử dụng lòng đường để thi công, điều chỉnh phương án tổ chức thi công, giảm thiểu việc chiếm dụng lòng đường để tổ chức thi công; tại những đoạn tuyến, nút giao có nhu cầu đi lại lớn, cần giải phóng lòng đường ưu tiên cho phương tiện lưu thông trong giờ cao điếm, tố chức thi công vào ban đêm, trong các khung giờ thấp điểm; chấm dứt không đế tình trạng dự án chiếm dụng lòng đường mà không tổ chức thi công.

Phó Thủ tướng yêu cầu hai Thành phố công bố bản đồ về địa điểm, thời gian xảy ra hiện tượng ngập úng do triều cường; bố sung thông tin dự báo về các khu vực, các tuyến đường nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ theo lưu lượng mưa. Điều chỉnh lộ trình, tần suất hợp lý của các tuyến xe buýt tránh các khu vực bắt buộc phải thu hẹp lòng đường để tổ chức thi công hoặc do ngập úng cục bộ nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người lao động. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin, cập nhật kịp thời về tình hình giao thông, các phương án di chuyển tránh khu vực ùn tắc giao thông đến đông đảo người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại di động và mạng xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội và Công an Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa xử lý vi phạm và tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc