Đặc quyền của người nghèo

08:24, 16/10/2015
|

(VnMedia) - Quyền lực thuộc về kẻ nhiều tiền, đó là thực tế ít gây tranh cãi. Nhưng cuộc sống đôi khi cũng có những trường hợp ngoại lệ. Trong một lần đi công tác ở Hà Tiên, Kiên Giang, một cán bộ phường than thở với tôi là bị người nghèo cho “ăn hành”.
 

Người nghèo
Khi cơ hội được mở rộng, hỗ trợ gia tăng, sẽ không ai còn muốn giữ “đặc quyền” làm người nghèo

Ông kể có đợt đoàn công tác của Mặt trận đi kiểm tra địa bàn, một căn nhà có cánh cửa bị bung ra, nhưng chủ hộ không lắp vào, mà ngồi chờ đoàn đi qua mới gọi lại: “Nè, cửa tao sập rồi, mày lại gắn giùm tao cái”. Gia đình là hộ nghèo, nhưng cả ngày ông chỉ nhậu mà không chịu làm ăn. Được cấp bò hỗ trợ phát triển kinh tế, thì chỉ vài tháng đã bán đi lấy tiền tiêu.

Đây có lẽ là trường hợp không phổ biến trong số gần hai triệu hộ nghèo trên cả nước, nhưng nó cũng cho thấy một hiện tượng nhức nhối trong vấn đề giảm nghèo từ lâu nay của nước ta: người nghèo không chịu “thoát nghèo”.

Điều này thể hiện rõ ở thực tế đáng buồn là cứ 3 hộ thoát nghèo lại có một hộ “tái nghèo”, như chia sẻ từ phía Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Trên mặt giấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn gần 8%, tuy nhiên đó là theo tiêu chuẩn chúng ta quy định với nhau. Ngân hàng Thế giới cho rằng con số rơi vào mức 20%. Đó là chưa kể lực lượng hùng hậu hộ cận nghèo hoặc vừa thoát nghèo,vốn luôn rất dễ quay trở lại mức sống dưới tối thiểu.

Kết quả này hẳn không phải đến từ sự thiếu quan tâm. Trong vòng 7 năm, từ 2005 đến 2012, tổng số vốn huy động phục vụ mục tiêu xoá đói giảm nghèo là 864 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 43 tỷ đô la Mỹ. Chúng ta cũng có đến hơn 70 chính sách khác nhau để xử lý nạn “giặc nội xâm”.

Vấn đề, vì thế, có lẽ nằm ở cách làm chứ không phải là nguồn lực.

Chiến lược xoá đói giảm nghèo của nước ta trong thời gian qua được thực hiện theo kiểu hỏng ở đâu thì sửa ở đó, chứ không giải quyết câu chuyện tổng thể. Xử lý đói nghèo thì chỉ tập trung vào hộ nghèo, không quan tâm nhiều đến các yếu tố và đối tượng khác khác. Các hộ cận nghèo và các hộ vừa thoát nghèo đều có mức ưu đãi ít hơn hẳn so với những người chỉ kém họ mấy chục nghìn thu nhập hàng tháng.

Cách làm này có hiệu quả khi xử lý nạn đói hoặc nghèo cùng cực, tức là khi con người bị dồn vào thế đường cùng. Nhưng khi vượt qua giai đoạn đó, và Việt Nam đã làm rất tốt điều này trong Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), thì việc đưa các hộ nghèo “thoát nghèo” trở nên khó khăn hơn nhiều.

Lý do là bởi hộ nghèo sẽ có ít động lực phấn đấu khi thấy thoát nghèo đồng nghĩa với việc mất đi rất nhiều quyền lợi, trong khi khả năng làm giàu bị hạn chế do thiếu hỗ trợ. Mảnh giấy chứng nhận hộ nghèo, lúc này, sẽ không khác gì một tấm giấy bảo hiểm cho cuộc sống của họ.

Con người có nguyên tắc cơ bản là chạy theo lợi ích. Nếu chênh lệch về quyền lợi giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo/thoát nghèo quá lớn, thì tất yếu sẽ nhiều hộ lựa chọn giữ “đặc quyền” làm người nghèo.

Vì vậy, chính sách xoá đói giảm nghèo, theo tôi, cần được tiếp cận theo mô hình tăng dần hỗ trợ cho hộ gia đình thoát nghèo, khuyến khích họ làm giàu. Nói cách khác, càng giàu thì các hỗ trợ sẽ càng đa dạng hơn. Bởi khi nhìn thấy lợi ích tăng lên, tôi tin rằng không ai muốn quẩn quanh cái mác “hộ nghèo”.

Việc khuyến khích làm giàu thay vì “xoá nghèo” sẽ liên quan đến việc thay đổi quan điểm chủ đạo về ưu tiên chính sách. Chúng ta hay nói đến chuyện cho người nghèo “cần câu” thay vì “con cá”, bởi niềm tin rằng phải có công cụ kiếm sống thì việc xoá nghèo mới bền vững. Nhưng tôi cho rằng cái “ao nước”, tức là môi trường sống, mới là vấn đề cần lưu tâm. Có cần câu cũng không để làm gì nếu không biết câu, hoặc sông nước không có tôm cá. Muốn thoát nghèo làm giàu, người dân phải có được hỗ trợ một cách có hệ thống từ môi trường xung quanh, từ chính sách tín dụng cho đến đất đai, cơ sở hạ tầng và giáo dục, dạy nghề.

Chính sách hiện tại có kết hợp cả những giải pháp cải thiện thể chế nêu trên, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các giải pháp đó hoặc là chưa được coi là trọng tâm, hoặc được thực hiện chưa hiệu quả. Ví dụ như ở nhiều khu vực, đặc biệt là nông thôn, việc tiếp cận tín dụng còn hết sức khó khăn và người dân phải dựa nhiền vào “tín dụng đen” để phát triển sản xuất, tức là vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng, với chi phí và rủi ro rất cao.

Lo lắng lớn nhất với cách làm mới có lẽ là vấn đề chi phí. Nhưng theo tôi, đây là điều có thể giải quyết được. Bộ máy hành chính phục vụ cho chương trình xoá đói giảm nghèo hiện nay chiếm đến 63%  tổng số vốn phục vụ xoá đói giảm nghèo ở trên (khoảng 27 tỷ USD trong 7 năm). Nếu tinh giản lại được bộ máy này thì xã hội sẽ tiết kiệm được một khoản vốn lớn để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân làm giàu. Thêm vào đó, cải thiện thể chế nghiêng về thay đổi chính sách nhiều hơn, nên sẽ không đặt quá nhiều gánh nặng lên ngân sách.

Gần đây, chính phủ có đưa ra một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, như giảm lãi suất cho vay, giảm 50% học phí cho học sinh của các gia đình cận nghèo. Tôi cho rằng đây là những bước đi đúng đắn để tiến đến xoá nghèo bền vững ở Việt Nam, và cần được thúc đẩy nhiều hơn nữa. Khi cơ hội được mở rộng, hỗ trợ gia tăng, tôi tin rằng sẽ không ai còn muốn giữ “đặc quyền” làm người nghèo.

Nguyễn Khắc Giang

* Nguyễn Khắc Giang tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế Đối ngoại tại ĐH Ngoại Thương Hà Nội, nhận bằng Thạc sĩ ngành Truyền thông và Toàn cầu hoá tại Aarhus University (Đan Mạch) và City University London (UK). Ông hiện đang là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội.


Ý kiến bạn đọc