Cử tri Hà Nội bức xúc chuyện điều chỉnh quy hoạch tăng mật độ dân cư

07:02, 20/10/2015
|

(VnMedia) - Cử tri Hà Nội đề nghị không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh  phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi…

Mật độ xây dựng
Cử tri Hà Nội đề nghị không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh  phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi…

Tổng hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 cho thấy, cử tri Hà Nội có nhiều kiến nghị liên quan đến các vấn đề dân sinh, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng và môi trường.

Theo đó, cử tri Thủ đô đề nghị Nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị, không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh  phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi…

Cử tri huyện Hoài Đức đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án đã cấp phép, nếu dự án để hoang hóa thì nên giao lại cho địa phương để có giải pháp sử dụng hiệu quả.

Trong khi đó, cử tri huyện Thạch Thất đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí đẩy nhanh dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Dự án xây dựng Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời hoàn thiện hạ tầng phục vụ người dân.

Cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực. Hậu quả là trên địa bàn cả nước và Thành phố Hà Nội có nhiều công trình, dự án dang dở vài năm nay nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thiện.

“Đề nghị Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc cấp phép này” - cử tri quận Hoàn Kiếm nêu rõ.

Một trường hợp cụ thể liên quan đến đất đai được cử tri phản ánh dự án nhà máy xi măng Mỹ Đức tại xã An Phú, với quy mô tổng diện tích đất 73 ha đến nay cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng dự án phải dừng theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ. Cử tri đề nghị Nhà nước xem xét chuyển đổi dự án trên thành vùng sản xuất hoặc xây dựng các trường dạy nghề để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cử tri cũng phản ánh tình trạng đầu tư xây dựng nhưng sau đó ít được sử dụng gây lãng phí, ví dụ như khu nhà ở của đồng bào dân tộc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại thị xã Sơn Tây.

Tuy nhiên, một số trường hợp bức xúc nổi lên gần đây như: Vụ sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực mới đây hay vấn đề di dời nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường mà không dành diện tích ưu tiên cho việc xây dựng các công trình công cộng như trường học, vườn hoa, sân chơi… (theo đúng chủ trương của Chính phủ) đã không được nhắc đến trong bản tổng hợp kiến nghị này.

Ngoài những bất cập trong xây dựng, đất đai thì bản tổng hợp kiến nghị cử tri Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay người bệnh phải chịu giá giường nằm ở các bệnh viện công lập là quá cao, trong khi các bệnh viện công lập cơ sở vật chất, trang thiết bị đều do ngân sách nhà nước đầu tư. “Cần công khai cho người dân được biết căn cứ tính giá giường bệnh” - cử tri quận Bắc Từ Liêm đề nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề y tế, cử tri quận Nam Từ Liêm đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vụ việc mua máy móc, thiết bị y tế cũ, không còn niên hạn sử dụng… trên địa bàn Thành phố.

Cử tri huyện Hoài Đức đánh giá chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo, do đó người dân vẫn phải đi khám tại các tuyến trên, gây nên việc quá tải, đồng thời, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của nhân dân. Cử tri cũng phản ánh việc tăng tiền đóng BHYT đối với học sinh trong khi chất lượng khám chữa bệnh cho các chủ thẻ không có gì được cải thiện là điều bất hợp lý.

Cử tri huyện Hoài Đức cũng đề nghị Nhà nước cần xử lý nghiêm đối với một số trường học có tình trạng lạm thu, nhiều khoản phí phải đóng trong đầu năm học như tiền mua đồng phục, tiền quạt mát, tiền mua báo…

Đối với việc xây dựng biểu giá điện mới, cử tri quận Nam Từ Liêm đề nghị Nhà nước chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu quy định giá điện sinh hoạt hợp lý, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân, hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp, không nên chỉ so sánh giá điện mà không so sánh mức thu nhập với các nước trong khu vực.

Cử tri huyện Phú Xuyên kiến nghị việc Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu và thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%, tuy nhiên cần giao cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong năm 2016 đúng theo quy định.

Cử tri huyện Phú Xuyên cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp thu hồi tài sản của cá nhân, tập thể tham ô, tham nhũng và giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, phát hiện nguồn thu nhập không hợp pháp của cán bộ.

Trong khi đó, cử tri thị xã Sơn Tây cho rằng, việc kê khai tài sản chưa kiểm soát được hết tài sản của cán bộ đảng viên, nhiều cán bộ có rất nhiều nhà, tài sản thậm chí có cả tài khoản ở nước ngoài. Do vậy đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp quản lý tài sản cán bộ đảng viên.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc