Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam: Ép sinh viên ký khống để lách luật cho vay nặng lãi

08:19, 28/10/2015
|

(VnMedia) - Để hợp thức hóa cho khoản vay nặng lãi, các sinh viên tham gia bán hàng đa cấp cho công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam đều bị ép ký 1 bản hợp đồng mượn máy tính “khống”. Giá thuê máy tính 1 tháng là 6 triệu đồng, tương đương 150% lãi ngân hàng.

Bán hàng đa cấp biến tướng tín dụng đen

Như VnMedia đã có bài phản ánh về tình trạng các em sinh viên bị ép vào vòng xoáy tín dụng đen khi tham gia bán hàng đa cấp cho công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (15 Đặng Thùy Trâm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), để tham gia đường dây bán hàng đa cấp của công ty này, các sinh viên sẽ phải nộp một khoản tiền để mua mã.

Do không có số tiền 12 triệu để tham gia vào hoạt động đa cấp, các em sinh viên được một nhóm nhân viên thuộc Công ty CP liên minh tiêu dùng VN dẫn tới cửa hàng Thành An (6A7 Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) để vay nặng lãi, với mức 4.000 đồng/ngày - mức lãi suất cao gấp 20 lần so với lãi suất vay thông thường.

Tuy nhiên, các sinh viên này cho biết, trong bản hợp đồng vay lãi không hề có bất cứ nội dung nào nói về mức lãi trên. Thay vào đó, các em phải ký thêm 1 hợp đồng thuê máy tính xách tay. Chiếc máy tính có trị giá 12 triệu đồng. Nếu mượn trong 1 tháng, các em sẽ phải trả một khoản lãi là 6 triệu đồng tương đương 150% lãi suất vay ngân hàng.

Em N.X.L (sinh viên trường cao đẳng Asean) cho biết, vì không có đủ 10 triệu để mua mã, các anh chị trưởng nhóm trong công ty đã dẫn em đến cửa hàng Thành An để vay tiền. Em phải ký vào 2 bản hợp đồng, trong đó 1 bản thỏa thuận vay, 1 bản hợp đồng thuê máy tính xách tay. “Các anh chị giải thích với em phải ký vào 2 bản thì mới được vay tiền. Mặc dù không được nhận máy tính thật nhưng thấy các bạn đều ký hợp đồng nên em ký theo”.

Bản hợp đồng cho vay nặng lãi
Bản hợp đồng cho vay nặng lãi

1001 chiêu dụ mồi

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các em sinh viên, các nhân viên công ty CP Liên minh tiêu dùng VN đã tung nhiều chiêu trò để dụ dỗ các em tham gia.

Em N.M. T (sinh viên trường cao đẳng Asean) kể: "em bị nhân viên công ty CP Liên minh tiêu dùng VN dụ dỗ làm việc ở đây. Họ nói công việc thì rất nhàn nhã, thu nhập cao, lại có tiền gửi về quê cho bố mẹ. Họ cho em xem bảng lương của các anh chị đều ở mức 22-23 triệu đồng/tháng nên em rất thích. Sau khi nộp mua mã, các chị đã đưa cho em một số sản phẩm thuốc để dùng thử. Họ nói là thuốc này tốt nên mua về cho ông bà, bố mẹ uống.  Nếu thấy thuốc có tác dụng tốt thì chia sẻ, rủ các bạn cùng tham gia. Nếu em lôi kéo được nhiều người tham gia thì sẽ có nhiều tiền. Chỉ cần làm chăm chỉ 3-4 tháng là có thể trả được khoản tiền vay. Khi thấy em đắn đo về việc trả lãi vay, các anh chị hứa sẽ trả giúp. Tuy nhiên, trên thực tế họ không giúp và em vẫn phải trả lãi” - em T nói.

Còn em N.L.C (sinh viên đại học Nông nghiệp) nói, khi biết mình bị lừa vay nặng lãi, em đã nhiều lần đến công ty CP Liên minh tiêu dùng để đòi tiền.Tuy nhiên, các em đều bị các đối tượng xã hội đen dọa đánh. Nhiều bạn khác mang thuốc đến trả lại nhưng công ty không nhận do sản phẩm không còn nguyên vẹn. Nguyên nhân là do khi giao sản phẩm, nhân viên của công ty đã tự ý bóc tem nhãn của các lọ thuốc khiến sinh viên không thể trả lại hàng để lấy tiền. Vì vậy, nhiều sinh viên đã chấp nhận bỏ cuộc để tránh rắc rối.

Có thể thấy, loại hình kinh doanh đa cấp đang được biến tướng thành hoạt động kinh doanh "tín dụng đen". Nó đã hình thành đường dây lừa đảo, cho vay lãi suất cao khép kín. Điều đáng nói, những đối tượng bị dụ dỗ vào vòng xoáy tín dụng đen lại là những em sinh viên mới nhập học. Đây là một tầng lớp trí thức trẻ, non nớt nên dễ bị mắc bẫy.

Nhiều em đang phải sống trong cảnh lo sợ khi liên tục bị thúc ép đòi nợ, xiết nợ. Thậm chí, để có tiền trả khoản vay nặng lãi, nhiều em đã phải chấp nhận dụ dỗ, lừa bạn bè thân thiết tham gia vào đường dây này.

Luật sư Nguyễn Văn Đại cho biết, việc các đối tượng cho vay lách trả lãi vay bằng hợp đồng thuê mượn tài sản như máy tính xách tay là thỏa thuận dân sự. Thế nhưng khi người vay bị đe dọa đòi nợ, ép buộc trả lãi suất cao, xiết nợ… thì đó là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Khi có những dấu hiệu trên, người bị hại cần trình báo các cơ quan pháp luật để có biện pháp xử lý.

"Bản chất kinh doanh đa cấp không xấu, nhưng khi du nhập vào Việt Nam đã bị một số cá nhân trục lợi bằng cách biến tướng mô hình này, khiến người khác ảo tưởng đây là mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Người bị hại vì lòng tham trước những khoản lợi nhuận nên đã bất chấp đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội, sẵn sàng dụ dỗ, gạ gẫm người thân, bạn bè trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo" - Luật sư Đại chia sẻ.

Chúng tôi tiếp tục thông tin.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc