Bắt buộc học môn Ngữ văn tới hết lớp 12

14:58, 21/10/2015
|

(VnMedia) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tới đây môn Ngữ văn sẽ là môn học bắt buộc ở cả 3 cấp học.

Hiện có ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng: “Trên thế giới, môn Ngữ văn lớp 9, lớp 10 là hoàn thành, kết thúc việc học ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ, không có nước nào trên thế giới sau THCS còn học môn Ngữ văn. Đề nghị Bộ GD&ĐT xem lại việc xác định môn Tiếng Việt/ Ngữ văn là môn học bắt buộc ở cả 3 cấp học để phù hợp với xu thế xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của các nước”.

Bộ GD&ĐT đã có ý kiến khẳng định việc xác định môn Ngữ văn như trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) là phù hợp với xu thế quốc tế và đáp ứng yêu cầu giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ GD&ĐT, qua tìm hiểu CTGDPT của nhiều nước có nền giáo dục phát triển cho thấy, môn tiếng mẹ đẻ (với tư cách là ngôn ngữ quốc gia) và văn học luôn được coi trọng ở cả 3 cấp học. Giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp THCS), môn tiếng mẹ đẻ và văn học là môn bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Giai đoạn ngay sau giáo dục cơ bản (cấp THPT), tuỳ mỗi nước, môn tiếng mẹ đẻ và văn học có thể là môn học bắt buộc hoặc là môn học tự chọn bắt buộc (dù lựa chọ theo tổ hợp nào thì môn học này cũng phải được chọn), hoặc là môn học tự chọn tuỳ ý (học sinh có thể chọn hoặc không chọn). như vậy, sau cấp THCS, xu thế chung các nước trên thế giới, ở cấp THPT luôn có môn tiếng mẹ đẻ và văn học là môn học bắt buộc.

Vì vậy, dự thảo CTGDPT tổng thể xác định môn Ngữ văn là môn học bắt buộc (với tư cách là môn học công cụ) ở cả 3 cấp học. Ở cấp THPT, ngoài Ngữ văn là 1 môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn Ngữ văn (TC2) gồm các phân môn Văn học, Luyện đọc và Luyện viết; các chuyên đề học tập Ngữ văn (TC3) gồm những nội dung chuyên sâu về tiếng Việt, văn học, văn hóa đáp ứng nhu cầu của những học sinh muốn đi sâu vào từng lĩnh vực, chuyên ngành hẹp của môn học. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế và đáp ứng yêu cầu giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) đã nêu tại Nghị quyết 88. 

Thùy Hoa


Ý kiến bạn đọc