Đẩy mạnh thanh tra vi phạm bản quyền phần mềm

17:59, 27/07/2015
|

(VnMedia) - Cuộc thanh tra được thực hiện tại một doanh nghiệp Hàn Quốc và một doanh nghiệp lớn của Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện số lượng lớn phần mềm không bản quyền...

Nằm trong chiến dịch đẩy mạnh các hoạt động thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sau “Tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới”, lực lượng thanh tra liên ngành tiếp tục thực hiện các cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp bị nghi ngờ sử dụng phần mềm máy tính không bản quyền. Phần mềm máy tính được đánh giá là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm quyền SHTT nghiêm trọng nhất. Bởi vậy, cuộc thanh tra được thực hiện tại một doanh nghiệp Hàn Quốc và một doanh nghiệp lớn của Việt Nam vừa qua tiếp tục là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp cố tình coi thường pháp luật.

Theo thông tin từ Đoàn thanh tra, cuộc thanh tra tại Công ty Cổ phần điện tử Bình Hòa (Viettronics) có trụ sở tại số 204 Nơ Trang Long, P12, Q. Bình Thạnh, TP.HCM đã được Đoàn thanh tra liên ngành, gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 (Bộ Công An) thực hiện. Sau khi kiểm tra 38 máy tính đang được Viettronics sử dụng cho hoạt động kinh doanh, ngoài số lượng phần mềm có bản quyền, Đoàn thanh tra liên ngành đã tìm thấy 62 phần mềm bất hợp pháp, chủ yếu là các phần mềm văn phòng phổ biến như Microsoft Office, Microsoft Windows XP,... thuộc quyền sở hữu của Microsoft và một số phần mềm của Autodesk, Adobe...

Trước những chứng cớ trên, Giám đốc công ty Viettronics đã ký vào biên bản thừa nhận hành vi vi phạm: sao chép phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu là vi phạm các quy định của pháp luật về SHTT. Đoàn thanh tra liên ngành cũng yêu cầu Viettronics phải dỡ bỏ các phần mềm máy tính bất hợp pháp và làm việc với đại diện pháp lý của chủ sở hữu quyền tác giả để thỏa thuận, giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm , đồng thời hợp pháp hóa các phần mềm bất hợp pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.


  Ảnh minh họa
Đoàn thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra tại Chi nhánh công ty Miwon Việt Nam.


Tiếp đó, một cuộc thanh tra tại Chi nhánh công ty Miwon Việt Nam (doanh nghiệp Hàn Quốc) tại 22 Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiến hành với sự chứng kiến của lãnh đạo đội 3, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 - Công an Thành phố Hà Nội. Trong cuộc thanh tra đột xuất này, Đoàn thanh tra đã kiểm tra 38 máy tính đang hoạt động và phát hiện nhiều phần mềm máy tính không bản quyền được sử dụng bất hợp pháp. Theo thông tin từ Đoàn thanh tra, đại diện công ty Miwon Việt Nam đã ký vào Biên bản vi phạm hành chính công nhận hành vi vi phạm pháp luật về SHTT.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, người đã có hơn 10 năm là trưởng đoàn thanh tra của hàng trăm cuộc thanh tra cho biết, các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong lĩnh vực phần mềm máy tính khá đa dạng, nhưng hành vi đối phó của các doanh nghiệp vi phạm chỉ mua một số ít phần mềm có bản quyền khá phổ biến. Ông Minh cũng khằng định rằng, các hoạt động thanh tra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp bị nghi ngờ sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Đây cũng là một nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết của Đảng về “Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang trở thành một vấn đề ưu tiên của Việt Nam được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong nhiều năm gần đây, trong đó phải kể đến việc ban hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng ngày 31/12/2008. Văn bản này khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong trường hợp vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Hành vi sử dụng trái phép phần mềm có bản quyền có thể bị truy tố hình sự theo Luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

Vụ kiện dân sự đối với Công ty Trimmers do sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp thuộc quyền sở hữu của một thành viên thuộc BSA | Liên minh Phần mềm, được khởi kiện vào cuối tháng 6 vừa qua tiếp tục là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp cố tình xâm phạm tài sản trí tuệ của người khác. Trong bối cảnh biện pháp dân sự đang được các cơ quan thực thi khuyến khích áp dụng trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), doanh nghiệp vi phạm không chỉ phải bồi thường thiệt hại mà uy tín cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, bảo vệ quyền SHTT ngày càng được thiết chặt và các hành vi xâm phạm quyền SHTT sẽ bị xử lý nghiêm khắc.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc