Bất ngờ với tăng trưởng thuê bao di động của Việt Nam

16:57, 08/06/2015
|

(VnMedia) - Theo những thống kê mới đây của hãng cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có lượng tăng trưởng thuê bao di động cao nhất thế giới hiện nay, với hơn 2 triệu thuê bao trong quý I/2015.

 

Ericsson’s Mobility Report cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có lượng tăng trưởng thuê bao di động mới cao nhất thế giới với hơn 2 triệu thuê bao trong quý 1/2015. Giống như nhiều nước trong khu vực, dân số trẻ, xu hướng đô thị hóa và sự tăng trưởng smartphone là ba xu hướng chính tác động mạnh mẽ tới ngành CNTT và truyền thông của Việt Nam .


  Ảnh minh họa

Smartphone kích cầu tăng trưởng thuê bao

 

Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Vietnam Myanmar cho biết, “năm 2009 là năm đầu tiên thế giới chứng kiến lượng dịch vụ dữ liệu vượt lên dịch vụ thoại và tính tới thời điểm này thì dịch vụ dữ liệu đã nhiều hơn gấp 10 lần. Chính sự phổ biến của smartphone và các ứng dụng dữ liệu trên các máy smartphone đã tạo nên một bước tiến hóa trong hành vi của người dùng và mức độ kỳ vọng của họ. Mức độ tăng trưởng dữ liệu của Việt Nam diễn ra rất nhanh và ngày nay, người dùng muốn các ứng dụng của mình hoạt động tốt mọi lúc, mọi nơi và luôn ở tốc độ cao nhất. Điều này cho thấy chất lượng mạng để đáp ứng các dịch vụ dữ liệu là vô cùng quan trọng”.

 

App Coverage là một cách tiếp cận mới phản ánh chất lượng, năng lực của mạng viễn thông đối với trải nghiệm của khách hàng. Những nhà mạng thành công trên thế giới cho thấy năng lực cung cấp tốt App Coverage sẽ tạo cho họ vị thế dẫn đầu thị trường. Từ thời điểm ban đầu, các mạng di động được thiết kế chỉ để cung cấp dịch vụ thoại.

 

Do vậy các chỉ số đánh giá chất lượng dựa trên sự hiện diện của vùng phủ, chất lượng thoại, tỉ lệ cuộc gọi không thành công. Nhưng ngày nay các nhà mạng đang phải đối diện với nhu cầu mới của các thuê bao vể khả năng tức thời, độ ổn định của các ứng dụng dù thuê bao đang ở đâu. Vì vậy để đáp ứng được nhu cầu này, các nhà mạng cần phải có cách thức mớiđánh giá cả hai yếu tố sự vận hành của mạng và chất lượng hài lòng của các thuê bao.

 

Từ kinh nghiệm triển khai 4G/LTE cho 180 mạng tại 82 quốc gia trên toàn cầu, ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar đã đưa ra lời khuyên, các nhà mạng nên áp dụng chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ có tên App Coverage trong việc lập kế hoạch và xây dựng mạng lưới. Chỉ số này liên quan đến vùng phủ sóng để một ứng dụng nhất định hoạt động ở mức độ tốt nhất.

 

Những nhà mạng hàng đầu thế giới đều áp dụng App Coverage để cung cấp chất lượng mạng tốt nhất cho các trải nghiệm ứng dụng của người dùng, đem lại lợi nhuận và thị phần cho họ. Ngoài ra, các nhà mạng cần ưu tiên đến các ứng dụng video, đảm bảo chất lượng mạng lưới cho sự hoạt động tốt của ứng dụng này trên các thiết bị của người dùng. Bởi hiện nay, ứng dụng video chiếm tỷ lệ lớn đến 45% lưu lượng dữ liệu người dùng và dự tính là 60% đến năm 2020; có mức tăng trưởng 55% một năm, và con số đó sẽ tăng gấp 13 lần đến năm 2020.

 

Đầu tư 4G nhưng vẫn cần mở rộng 3G

 

Theo nhận định của ông Jan Wassenius, việc thử nghiệm 4G sẽ diễn ra năm nay và dịch vụ 4G sẽ chính thức ra mắt vào năm 2016 tại Việt Nam. Ở thời điểm phát triển 4G, nhà mạng vẫn cần tiếp tục mở rộng 3G, và cần xây dựng mạng phức hợp HetNet, ở đó triển khai các công nghệ trên hệ thống thiết bị của cùng một nhà cung cấp, nhắm đảm bảo sự phối hợp tối đa và hiệu quả giữa các công nghệ với nhau. Đây là cách tiếp cận giúp bảo đảm tối ưu hóa nhất về chi phí đồng thời hiệu quả cao nhất đối với chất lượng mạng.

 

Giải pháp HetNet là sự tổ hợp giữa công nghệ khác nhau (2G, 3G, 4G, Wifi…), tổ hợp giữa các tần số khác nhau (từ tần số thấp đến tần số caocho 2G, 3G, 4G, Wifi, …) và là sự đan xen giữa các mức mạng khác nhau: mạng vĩ mô (Macro) cho tới giải pháp mạngSmall Cell (là giải pháp tăng dung lượng, phủ điểm cho các tòa nhà, cho các điểm lõm và các khu vực mua sắm…).

 

Nhà mạng cần tiếp tục hiện đai hóa mạng bằng cách trang bị thêm các tính năng ưu việt về tính giá cước, phí dịch vụ, các dịch vụ hỗ trợ để các thuê bao nhận được dịch vụ tốt hơn. Đối với khu vực thành thị, đông dân cư là khu vực các nhà mạng cần ưu tiên nhất để đầu tư HetNet. Bởi ở đây là khu vực nhiều khách hàng quan trọng và tiềm năng nhất dựa vào tỉ lệ dùng smartphone của họ, thói quen sử dụng ứng dụng. Nhưng đây cũng là khu vựccó rất nhiều yếu tố làm suy hao mạng lưới, giảm chất lượng mạng như sự chắn bởi các tòa nhà cao tầng, lưu lượngngười dùng di động lớn.

 

Là một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, năm 2014, 3 nhà mạng Thái Lan đã cung cấp dịch vụ 4G/LTE. Theo chia sẻ của Ericsson, tại Việt Nam , các nhà hoạch định chính sách và các nhà mạng đều đã nghiên cứu kỹ để sẵn sàng cho 4G. Các nhà hoạch định chính sách quy hoạch lại tần số tần số 900MHz, 1800MHz cho LTE. Ngay cả những băng tần mới như 2600MHz hoặc 700MHz (vốn đang dùng cho truyền hình số tương tự) cũng được giải phóng để dùng cho LTE tại các các khu vực thành phố

 

Việc đầu tư hiện đại hóa mạng, xây dựng một mạng phức hợp như HetNet sẽ là lời giải cho việc đưa ra dịch vụ mới cạnh tranh, nhanh mà đảm bảo chi phí hợp lý cho người tiêu dùng; Nhà mạng luôn muốn người dùng sử dụng các dịch vụ dữ liệu, chất lượng càng cao càng tốt để thu lợi nhuận. Vì vậy các nhà mạng trong tương lai sẽ cố gắng đáp ứng cách thay đổi thói quen tiêu dùng của thuê bao để khiến họ dùng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa trong việc thỏa mãn sở thích và nhu cầu cá nhân của họ. Trong tương lai, dù người dùng có thu nhập bao nhiêu vẫn sẽ có những sự lựa chọn phù hợp về dịch vụ 4G/LTE để họ sử dụng.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc