Đám mây là giải pháp công nghệ giúp ngành truyền hình phát triển

07:03, 13/07/2014
|

(VnMedia) - Đưa ra nhận định, tới năm 2020, ngành truyền hình và media toàn cầu sẽ trở thành một ngành mang lại doanh thu 750 tỉ đô la Mỹ, phục vụ cho 8 tỉ thuê bao băng rộng và 50 tỉ thiết bị kết nối, đại diện của Ericsson cũng nhìn nhận, giải pháp đám mây rất cần thiết để lưu trữ tập trung các nền tảng trải nghiệm cho người dùng và nội dung khi tận hưởng các tiện ích của dịch vụ truyền hình.

Chia sẻ với báo giới, ông Jan Wassenius - Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam đã cho biết, tới năm 2020, ngành truyền hình và media toàn cầu sẽ trở thành một ngành mang lại doanh thu 750 tỉ đô la Mỹ, phục vụ cho 8 tỉ thuê bao băng rộng và 50 tỉ thiết bị kết nối. Trong số đó, sẽ có 15 tỉ thiết bị có tính năng video và bất cứ thiết bị hay vậ dụng nào có màn hình đều nên thiết kế có tính năng xem video. Theo báo cáo Ericsson Mobility Report, tới năm 2019, video sẽ chiếm hơn 50% lưu lượng dữ liệu di động trên toàn cầu và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 55%.

Nói riêng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, số lượng smartphone dự tính tăng gấp 5 lần và lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp 10 lần. Hơn 50% dữ liệu lưu lượng đó dự tính sẽ là video và truyền hình theo yêu cầu. Còn tại thị trường Việt Nam, theo kế hoạch đến năm 2020, số người xem truyền hình trả tiền sẽ là 70%, còn truyền hình số chiếm tới 100%.

Theo ông Jan Wassenius, thói quen của người tiêu dùng ngày càng thay đổi bởi việc xem truyền hình không giới hạn trong không gian của một phòng xem phim với những dịch vụ truyền thống. Xu thế này mang lại những thách thức và cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông vốn sở hữu hạ tầng băng rộng di động và cố định. Những sự sáp nhập giữa nhà khai thác viễn thông và các công ty cung cấp truyền hình đang diễn ra trên thế giới đều hướng tới tương lai của ngành truyền hình là cung cấp sự trải nghiệm truyền hình ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào và bằng bất cứ phương tiện nào”.

Để thích ứng xu thế trên, về phương diện công nghệ, ông Jan Wassenius, cũng cho rằng, việc người tiêu dùng mong muốn những dịch vụ theo yêu cầu và sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ IP trong các phương thức cung cấp dịch vụ và nội dung. Các nền tảng nội dung sẽ có tính tập trung hơn, tạo điều kiện mở rộng, nâng cấp các giao diện và cơ chế tương tác đối với việc cung cấp nội dung mới.

"Giải pháp đám mây rất cần thiết để lưu trữ tập trung các nền tảng trải nghiệm cho người dùng và nội dung, đồng thời là cơ sở để cung cấp nội dung theo yêu cầu ở bất cứ thiết bị nào, trên bất kỳ hệ thống mạng nào, trong điều kiện tương tác ngày càng phức tạp giữa các loại màn hình và các đối tượng" - ông Jan Wassenius nhận định.

Ở thời điểm này, thị trường dịch vụ truyền hình của Việt Nam cũng đã khá sôi động, sự hội tụ giữa viễn thông và truyền hình tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Việt, còn người dùng thì có thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc thưởng thức các dịch vụ truyền hình tiện ích. Tuy nhiên, theo nhận định của phía Ericsson, phải tới năm 2018 mới thực sự là thời điểm chín mười của việc triển khai các giải pháp hội tụ giữa viễn thông với truyền hình khi chất lượng mạng được nâng cao hơn và các nhà cung cấp nội dung cũng đã sẵn sàng.

Được biết, Ericsson hoạt động trong lĩnh vực truyền hình hơn 20 năm qua, cung cấp giải pháp IPTV cho hơn 15 triệu hộ gia đình và chiếm 25% thị phần IPTV tòan cầu. Ericsson quản lý playout cho hơn 330 kênh truyền hình. Ericsson xây dựng hệ thống mạng truyền nội dung (CDN) cho nhà khai thác viễn thông tư nhân lớn nhất ở Nga. Đồng thời Ericsson hiện thực hóa việc phát sóng truyền hình qua mạng LTE cho các nhà mạng như Verizon, Telstra.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc