Cảnh tượng đẹp từ trận mưa sao băng chưa từng có

13:29, 28/05/2014
|

(VnMedia) - Ngày 23 và 24 tháng 5 vừa qua, Trái đất vừa chứng kiến một mưa sao băng chưa từng có do các mảnh vỡ của sao chổi được các nhà khoa học đặt tên là 209P/LINEAR tạo ra. Cơn mưa sao băng này đã xảy ra nhưng không ngoạn mục như các nhà thiên văn học chờ đợi.

 

Chưa từng có nhưng không phải là bất thường, cơn mưa sao băng đã được các nhà khoa học dự đoán trước. Cuối tuần trước, tất cả các nhà thiên văn học nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp mong chờ được chứng kiến cơn mưa sao băng đẹp nhất của năm. Cách đây một vài tuần, NASA đã thông báo rằng vào ngày 23 và 24 tháng 5, các mảnh vỡ phía sau của sao chổi 209P/LINEAR sẽ đi ngang qua Trái đất. Xuất phát từ khu vực chòm sao Hươu cao cổ (Camelopardalis), các mảnh vỡ này sinh ra một trận mưa sao băng chưa từng có trong lịch sử thiên văn.


 Ảnh minh họa
 
Các chuyên gia NASA cho biết sao chổi thường đi qua quỹ đạo của Trái Đất trong quá trình xoay quanh Mặt Trời với chu kỳ 5 năm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong mưa sao băng vừa diễn ra không phải là những mảnh vụn của sao chổi khi tiến gần Trái Đất lần này mà lại đến từ những mảnh vụn mà nó để lại từ một lần quét qua Trái Đất trong những năm 1800. "Chúng tôi không có ý tưởng nào về hoạt động của sao chổi trong những năm 1800. Rất có thể đó là một trận mưa thiên thạch tuyệt vời", Bill Cooke, làm việc tại NASA, phỏng đoán.

 

5-10 thiên thạch mỗi giờ

 

Thật không may, trận mưa không giống như màn biểu diễn ngoạn mục trên bầu trời. Mặc dù các nhà thiên văn đã phỏng đoán có khoảng từ 100 đến 400 sao băng rơi một giờ, nhưng thực tế chỉ có từ 5 đến 10 thiên thạch mỗi giờ. "Chúng tôi dự kiến hoặc hy vọng sẽ quan sát thấy nhiều sao băng trong một phút", ông Carl Hergenrother, nhà thiên văn học của NASA nói nhưng đó thực sự là một "điều thất vọng lớn" đối với các nhà thiên văn học.

 

"Tôi ở tại nhà mình ở Tucson (tiểu bang Arizona, Mỹ), tôi đã ở ngoài trời và quan sát trong hai tiếng rưỡi đêm qua và tôi đã thấy 16 sao băng trên bầu trời, nhưng điều này dường như là bình thường trên bầu trời tối đen trước cửa nhà tôi", ông nói. "Các mảnh vỡ không dày đặc như một số người đã nghĩ",nhà thiên văn học Tony Phillips tiết lộ trên Spaceweather.com.

 

Theo Bill Cooke, đỉnh điểm của trận mưa sao băng này là 40-50 thiên thạch mỗi giờ. "Chắc chắn đó không phải là một cơn bão, không có lượng 100 sao băng mỗi giờ, nhưng nó vẫn cứ tốt hơn là không có trận mưa nào", ông giải thích với kênh CTV News. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều nhà quan sát, nhất là tại Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng của họ. Tuy nhiên, một số nói họ vẫn hài lòng về màn trình diễn này. Thật vậy, mặc dù chỉ có một số lượng nhỏ các thiên thạch rơi cùng một lúc, sự kiện này là cảnh tượng thiên văn đẹp mắt mà ta có dịp quan sát ở một số vùng, điểm trên Trái đất.

 

"Cảnh tượng đẹp mắt"

 

Các thiên thạch hiện ra chậm và nó để lại một vệt sáng dài trên bầu trời tối đen. Trận mưa bằng "thiên thạch diễn ra bất thường và tốc độ chậm", tờ Universe Today khẳng định. Một cư dân của Laurel, thuộc bang Maryland (Mỹ) cho biết cô đã không nhìn thấy nhiều sao băng nhưng "bầu trời rất đẹp" có tất cả các ngôi sao, cô nói mình hài lòng khi được chứng kiến cảnh tượng này.

 

Rõ ràng không phải chỉ một mình người phụ nữ này quan sát thấy cảnh tượng đẹp vì cư dân mạng đã đăng video quay cảnh tượng đêm mà họ quan sát, đó là cảnh bầu trời rực sáng với hàng ngàn ngôi sao và một số thiên thạch, cảnh tượng này giống như đoạn phim quay trên bầu trời San Diego (Mỹ). Một số nhà thiên văn học cũng tỏ ra lạc quan như Karl Battams, nhà vật lý thiên văn học tại phòng thí nghiệm Naval Research đã viết trên Twitter : "Mặc dù mưa sao băng không tạo nên cảnh tượng ngoạn mục nhưng ta quan sát được rõ các mảnh vỡ để lại của sao chổi trong bầu khí quyển của chúng ta".

 

Theo tính toán, các mảnh vỡ còn lại của sao chổi 209P/LINEAR sẽ không rơi vào Trái đất thêm nữa ít nhất là trong 10 năm tới. Trong khi đó, các nhà khoa học hy vọng sẽ sửa đổi những mô phỏng không chính xác của họ, nghiên cứu các dữ liệu thu thập được qua cơn mưa sao băng chưa từng có này. Có thể những cuộc dạo chơi tiếp theo của các sao chổi vào Trái đất sẽ tạo ra cảnh ấn tượng hơn cho chúng ta ngắm.


Quế Anh - (maxisciences)

Ý kiến bạn đọc