Cơ hội nào giúp nhà mạng “đấu” lại các ứng dụng OTT?

19:45, 27/06/2013
|

Dịch vụ nhắn tin, thoại miễn phí OTT (over the top) đang trở thành xu hướng lựa chọn của người dùng di động. Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, thì đây lại là nguy cơ lớn ảnh hưởng tới doanh thu. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa nhà mạng không có khả năng “đấu” lại để giành phần thắng.

 

Cùng với xu hướng của thế giới, các dịch vụ OTT đang tấn công mạnh thị trường Việt Nam với nhiều chiêu tiếp thị, marketing dồn dập. Việc tung ra nhiều chương trình marketing đẩy các thuê bao di động chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT tăng rất mạnh. Theo tính toán từ chính các nhà mạng Việt, ứng dụng OTT đang nở rộ khiến họ bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

 

Thực tế này khiến các nhà mạng phải tìm cách đối phó với các ứng dụng OTT. Cách được doanh nghiệp tính đến là tăng cước 3G. Mới đây, tại Hội nghị Giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo của Viettel đã chính thức đề đạt nguyện vọng tăng cước dịch vụ 3G.

 

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay, về cơ bản, Bộ Thông tin và Truyền thông tôn trọng quyền định giá cước của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tăng hoặc giảm giá, doanh nghiệp cần căn cứ vào giá thành, cung cầu của thị trường và trên mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, hiện giá cước 3G ở Việt Nam là rẻ so với các nước trong khu vực và thế giới.



 Ảnh minh họa

Dù với lý do được đưa ra là do dịch vụ 3G hiện đang được nhà mạng bán dưới giá thành, nhưng theo phân tích của giới chuyên môn, “ẩn ý” sâu xa hơn đó chính là tăng cước 3G để doanh nghiệp viễn thông “đấu” lại các dịch vụ OTT miễn phí hiện nay. Nhưng xem ra, nếu chỉ tính “bài” tăng cước 3G, liệu có phải là phương cách tốt nhất mà doanh nghiệp nên thực hiện? Vấn đề là làm sao doanh nghiệp có thể cạnh tranh được ứng dụng OTT từ chính dịch vụ của mình?

 

Cách đây ít lâu, hãng viễn thông đến từ Thuỵ Điển Ericsson đã đưa ra một số lời khuyên được đánh giá khá bổ ích với các nhà mạng Việt Nam . Ericsson ConsumerLab đã nghiên cứu và phân khúc 6 nhóm khách hàng sử dụng Internet và di động để giúp các nhà cung cấp hiểu từng nhóm khách hàng, nhằm cung cấp các dịch vụ phù hợp và làm hài lòng họ nhất.

 

Với khách hàng Nhóm 1 - Performance Seekers (“Cần nhất là chất lượng”), họ đặc biệt coi trọng chất lượng mạng và các dịch vụ. Công nghệ đi vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ. Họ hiểu rõ giá trị của công nghệ và đòi hỏi một dịch vụ Internet di động nhanh và ổn định.

 

Khách hàng nhóm 2 - Devicers (“Thiết bị sành điệu”) là các khách hàng coi thiết bị cầm tay không chỉ là phương tiện để liên lạc mà là sử thể hiện hình ảnh, lối sống và đẳng cấp xã hội. Họ cần các nhà mạng cung cấp loại thiết bị ưng ý nhanh nhất cho họ.

 

Khách hàng nhóm 3 - VIP là các khách hàng muốn được đối xử đặc biệt mọi lúc. Họ sẵn sàng trả chi phí dịch vụ cao miễn là luôn nhận được sự ưu tiên.

 

Khách hàng nhóm 4 - Cost Cutters (“Giảm chi phí”). Đây là nhóm khách hàng luôn tìm kiếm mức giá thấp, không chấp nhận việc phát sinh chi phí và chỉ cần những dịch vụ cơ bản nhất đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

 

Nhóm 5 - Curious novices (“Thích khám phá”) là nhóm khách hàng luôn tìm kiếm sự gợi ý và đề cao sự hỗ trợ từ nhà mạng. Nhóm khách hàng này muốn gia nhập xu hướng mới trong liên lạc kết nối nhưng chưa rõ phải làm thế nào. Họ cần những sự hỗ trợ kỹ thuật, cảm giác cởi mở thân thiện khi được tư vấn

 

Và nhóm 6 - Control Seekers (“Thích kiểm soát”). Đây là nhóm khách hàng muốn kiểm soát được chi phí và lưu lượng họ sử dụng dịch vụ thông qua các gói dịch vụ. Họ thường sử dụng các dịch vụ trả trước.

 

Chiếu theo phân tích này của Ericsson, nhóm khách hàng mà các nhà mạng phải tập trung triển khai nhiều tiện ích, ưu đãi để có thể cạnh tranh với các ứng dụng OTT có lẽ là khách hàng nhóm 4 - nhóm khách hàng luôn tìm kiếm mức giá thấp, không chấp nhận việc phát sinh chi phí và chỉ cần những dịch vụ cơ bản nhất đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

 

Bản thân các nhà khai thác mạng như VinaPhone, MobiFone hay Viettel trong quá trình cung cấp dịch vụ, cũng đã nghiên cứu các gói cước, dịch vụ giá rẻ dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là các tiện ích dành cho nhắn tin, email. Tuy nhiên, nếu đem các dịch vụ giá rẻ này cạnh tranh với ứng dụng OTT thì vẫn còn thua xa.

 

Trên thực tế, nếu nhà mạng “tự thân vận động” thì sẽ có nhiều cái khó. Việc đưa ra nhiều dịch vụ miễn phí sẽ lại khiến “nồi cơm” của họ giảm sút hơn nên khó thực hiện. Tại hội thảo mới đây về dịch vụ OTT do Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng, với việc nở rộ các ứng dụng OTT hiện nay, các nhà mạng nên nhìn nhận đó là cơ hội. Cách hiệu quả nhất để giúp nhà mạng đối phó với các ứng dụng OTT chính là bắt tay với doanh nghiệp cung cấp OTT để triển khai các tiện ích giúp “đôi bên cùng có lợi”.

 

Từ nhu cầu tìm cách triển khai các ứng dụng “đấu” lại ứng dụng OTT, việc hợp tác giữa các nhà khai thác mạng với doanh nghiệp cung cấp giải pháp OTT là rất nên làm. Mục tiêu làm sao các nhà khai thác mạng vẫn giữ được doanh thu cũng như tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã xây dựng nên.

 

Là một doanh nghiệp đang khá thành công với ứng dụng OTT, ông Nguyễn Hồng Minh Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần VNG chia sẻ, từ trước tới giờ giữa các nhà mạng và CP chưa có sự hợp tác tốt nên hiện tại, trên nền mạng 3G hay trên nền mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động Việt Nam chưa có nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dùng.

 

Vậy thì sao nhà mạng và doanh nghiệp OTT không bắt tay cùng đem lại lợi ích cho người dùng và cho chính mình nhỉ?

 Ứng dụng OTT Việt đầu tiên cán mốc 3 triệu người dùng

Trong số 3 triệu người dùng Zalo hiện tại, có hơn 90% nằm trong độ tuổi trưởng thành: đông nhất là nhóm 18 - 25 tuổi chiếm 60%, 24% người dùng nằm trong nhóm tuổi 26 -33, 8% nhóm trên 33 tuổi. Nhóm người dùng dưới 18 tuổi chỉ chiếm 8%.

Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, phụ trách dự án Zalo, cột mốc 3 triệu người dùng là sự khích lệ lớn đối với đội ngũ Zalo. Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước khi các đối thủ quốc tế đang tiếp tục đầu tư nguồn tài chính khổng lồ để chinh phục thị trường Việt Nam . Thị trường OTT nói riêng và thị trường Internet di động nói chung sẽ tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới.

Zalo hiện đã vượt qua giới hạn ban đầu là công cụ nhắn tin, kết nối và được người dùng sử dụng sáng tạo vào nhiều lĩnh vực của đời sống như buôn bán trên mạng, tra cứu kết quả học tập, tra cứu điểm thi, nơi tổ chức những sự kiện cộng đồng, và là cầu nối gắn kết yêu thương giữa người bạn, người thân và gia đình...

Cuối tháng 5/2013, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã sử dụng Zalo như một cầu nối để cộng đồng chia sẻ tình cảm, suy nghĩ của cá nhân về biển đảo Tổ quốc và gửi những lời nhắn động viên đến nhân dân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Zalo cũng có kế hoạch mở cửa nền tảng của mình cho các đối tác nội dung, doanh nghiệp thông qua tính năng Zalo page. Trong quí III, phiên bản Zalo trên Windows Phone dự kiến sẽ ra mắt người dùng.


TH

Ý kiến bạn đọc