Lật tẩy những mánh gian lận khi thi cử với iPhone

06:24, 06/11/2011
|

(VnMedia) - Với áp lực phải vượt qua các bài thi cuối kỳ, không ít các sĩ tử đã sử dụng iPhone để tạo nên những “khác biệt” về điểm số. Phóng viên VnMedia đã thực hiện một cuộc điều tra nhanh với một số “cao thủ” kỳ cựu trong lĩnh vực này.

 

Chỉ trong các kỳ thi cấp thành phố và quốc gia, việc cấm đem điện thoại vào phòng thi được làm rất nghiêm ngặt. Còn trong những giờ kiểm tra và thi cuối kỳ, học sinh vẫn “được” mang điện thoại vào phòng thi mà không bị cấm. Theo nhiều cựu học sinh thì hiện nay, giới trẻ có khoảng 4 kỹ thuật “quay cóp” nếu có sự hỗ trợ từ phía iPhone.

 

Sử dụng iPhone để ghi âm

 

iPhone được thiết kế với nhiều tính năng multimedia giúp người sử dụng thưởng thức những nhu cầu giải trí đỉnh cao. Một trong số đó là khả năng thu và phát các âm thanh chất lượng cao. Đây cũng là một ưu điểm tuyệt vời để cho các sĩ tử có thể khai thác triệt để.

 

Chỉ cần một không gian yên tĩnh, sĩ tử có thể thu âm toàn bộ nội dung bài kiểm tra một cách dễ dàng vào dế iPhone. Đến ngày làm bài thi, cao thủ này chỉ cần 1 tai nghe không dây là đã có thể dễ dàng để kết nối với iPhone bằng sóng bluetooth. Tuy nhiên cách này lại có một nhược điểm là người sử dụng phải nhớ thật chuẩn xác vị trí của từng nội dung bài học trong bản ghi âm. Do phải “tua” đi tua lại nhiều lần nên việc quay cóp bằng cách này rất dễ bị thày cô phát hiện. Vì thế kỹ thuật này hiện nay còn khá ít học sinh áp dụng.

 

Chụp ảnh từng trang tài liệu

 

iPhone 3G có camera 3.2 MP, trong khi đó iPhone 4 là 5MP, còn dòng điện thoại mới nhất là iPhone 4S lại có camera lên đến 8 chấm. Những siêu phẩm trên đều cho chất lượng ảnh chụp tốt với khả năng zoom kỹ thuật số tới hơn 8 lần.

 

Theo một cựu học sinh trường PTTH ĐĐ, Hà Nội thì em vẫn thường chụp mỗi trang tài liệu A4 kín đặc chữ là một bức ảnh. Nhờ chất lượng ảnh chụp có độ nét cao, màn hình hiển thị lớn nên khi phóng to thì sĩ tử này hoàn toàn có thể đọc được từng chữ cái trên tấm ảnh. Cách này cũng có thể được các học sinh dùng để trao đổi tài liệu với nhau thông qua con đường bluetooth.

 

Copy tài liệu vào dế

 

Kỹ thuật này sẽ khiến người sử dụng phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn các cách trên. Với cách này sĩ tử cần tìm, biên soạn, và tổng hợp tài liệu thành một văn bản hoàn chỉnh dưới dạng Word hoặc PDFF rồi đưa vào iPhone để đọc. Với kỹ thuật này người sử dụng nên tạo trang đầu tiên là nơi chứa link tất cả các đề mục của nội dung tài liệu ôn thi. Một ưu điểm khác của phương pháp này là iPhone có chức năng search từ khoá trong toàn bộ văn bản text, vì thế các sĩ tử sẽ hoàn toàn dễ dàng tìm được “nguồn” để “cá chép”.

 

Sử dụng tin nhắn

 

Chức năng cơ bản này hiện vẫn được rất nhiều học sinh ưa chuộng. Thứ nhất, các sĩ tử có thể lưu tài liệu dưới dạng tin nhắn. Sau đó có thể “đường đường chính chính” đặt dế lên bàn và chép bài ngay từ màn hình điện thoại. Và nếu có bị thày cô phát hiện thì chỉ cần bấm một nút duy nhất trên iPhone là sĩ tử có thể viện cớ là mình đang xem giờ. “Dấu vết hiện trường” lúc đó chỉ là màn hình điện thoại trống trơn nên thày cô hầu như không thể “bắt quả tang”.

 

Ưu điểm thứ 2 của phương pháp này là khả năng trao đổi dữ liệu nhanh và an toàn. Kỹ thuật này đặc biệt hữu dụng với những môn thi trắc nghiệm. Chẳng hạn để “phát tán” đáp án của từng câu hỏi người sử dụng chỉ cần soạn tin nhắn dưới dạng 1c 2b 3h 4g 5d…. để gửi là xong.

 

Ngoài 4 kỹ thuật “cơ bản” trên, nhằm vượt qua các kỳ kiểm tra các sĩ tử còn sử dụng cả phần mềm từ điển, phần mềm vẽ đồ thị, trình duyệt web trên điện thoại để tra cứu thông tin… Ngày nay với sự phát triển không ngừng của khoa học & công nghệ, các thày cô hẳn sẽ thêm đau đầu nếu thế hệ 9x tiếp tục “sáng tạo” ra những “tuyệt chiêu” mới tinh vi và khó phát hiện hơn.


Lương Đàm

Ý kiến bạn đọc