Thanh tra phần mềm “sờ gáy” khu chế xuất, công nghiệp

09:04, 19/09/2011
|

(VnMedia) - Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công An) vừa tiến hành kiểm tra hàng loạt các công ty tại các khu chế xuất và công nghiệp. “Danh sách” các doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm tiếp tục tăng.

 

Trong đợt kiểm tra này, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện rất nhiều các phần mềm vi phạm tại Công ty cổ phần ROSSANO Việt Nam, có địa chỉ tại Lô 10, đường 1, Khu Công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.

 

ROSSANO là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài ( Singapore ), chuyên sản xuất đồ trang trí nội thất cao cấp. Trong số 31 máy tính được kiểm tra, ngoài các phần mềm đã được mua bản quyền, Đoàn thanh tra liên ngành đã tìm thấy rất nhiều các phần mềm sao chép như AutoCAD, LacViet MTD 2002, Acrobat, Corel Draw, Window XP và Window Office.

 

Đại diện công ty ROSSANO đã ký vào Biên bản thanh tra thừa nhận hành vi sao chép các phần mềm máy tính trên không có bản quyền là vi phạm pháp luật.

 

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, kể từ 1/8, một số bang của Mỹ bắt đầu áp dụng đạo luật vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ có vi phạm về bản quyền.

 

Theo đạo luật này, hàng hóa của doanh nghiệp có vi phạm về bản quyền sẽ không được bán tại thị trường Mỹ. Hành vi vi phạm bản quyền được xét ở khâu sản xuất trực tiếp lẫn khâu phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm.

 

Như vậy, theo đạo luật này thì các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, giày, nhựa, nội thất,… nếu sử dụng các phần mềm sao chép để cài vào máy tính phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các sản phẩm hoàn chỉnh của họ cũng bị coi là sản phẩm vi phạm bản quyền và cấm xuất khẩu sang Mỹ.

 

Đạo luật này đã đặt các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn làm ăn bền vững với các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt qui định về quyền sở hữu trí tuệ phần mềm, không cài đặt các phần mềm sao chép trong các máy tính phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Một lần nữa, Đạo Luật này cũng là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp tại Việt Nam cần nâng cao hơn nữa ý thức tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc